Bảo đảm an toàn cây xanh đô thị

Những vụ cây xanh gãy đổ làm bị thương, thậm chí là chết người trên các đường phố TP Hồ Chí Minh vào mùa mưa bão ngày càng trở nên nghiêm trọng, báo động đỏ về an toàn cây xanh đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Công viên Cây xanh dọn dẹp cây bị gãy đổ.
Công nhân Công ty Công viên Cây xanh dọn dẹp cây bị gãy đổ.

Tốc độ đô thị hóa nhanh

Trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 300 nghìn cây xanh. Trong đó, Sở Xây dựng quản lý gần 118 nghìn cây xanh. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) lý giải, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các sự cố cây xanh do quá trình đô thị hóa dẫn đến gia tăng việc xây dựng, bê-tông hóa các khối công trình cao tầng trong đô thị làm thay đổi hướng gió, gia tăng sức gió. Đồng thời, với việc gia tăng xây dựng các công trình ngầm cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của hệ rễ cây xanh. Diễn biến bất thường của yếu tố thời tiết hay các thay đổi khác về môi trường tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa là các hành vi xâm hại, phá hoại cây xanh cố ý hoặc do sự thiếu ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, các đơn vị khi thi công dự án, công trình trong đô thị.

TP Hồ Chí Minh có gần 11 nghìn cổ thụ. Đây là các cây xanh được trồng từ lâu cùng với sự hình thành của đô thị. Trong số này có các loài đặc trưng vùng miền và cũng là đặc trưng của thành phố như sao đen, dầu rái. Việc ứng xử hài hòa, phù hợp giữa công tác bảo tồn những di sản xanh này và bảo đảm an toàn là một trong những khó khăn mà cơ quan quản lý đang phải đối mặt. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần xây dựng định hướng thay thế, cải tạo các cây xanh già cỗi, có xét đến việc bảo tồn cổ thụ trên địa bàn thành phố.

Bài toán không dễ giải!

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang được giao chăm sóc gần 86 nghìn cây xanh các loại trên địa bàn thành phố. Trong quá trình kiểm tra cây xanh trên địa bàn, các đơn vị hiện chủ yếu dựa theo quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn chứ chưa có máy móc chuyên dụng. Do vậy, đối với phần rễ cây nằm dưới lòng đất hoặc những nhánh cao 20-30 m nếu bị khiếm khuyết rất khó nhận biết.

Từ góc độ chuyên gia, PGS, TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cũng cho rằng, cây xanh tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh nhiều loại trồng hơn 30 năm, phát triển thành cổ thụ nhưng chưa được chú ý đến cắt tỉa điều chỉnh độ cao tán, ngọn cây phù hợp. Phần lớn cây mới được cắt tỉa ở tầng dưới, còn phía ngọn phát triển quá cao, nhiều nhánh dài, không đối xứng dễ tét nhánh. Dẫn chứng trường hợp nhánh cây gây sự cố ở Công viên Tao Đàn đã được để quá dài, võng xuống đất nên khả năng bám vào thân bị giảm.

Ngoài ra, theo PGS, TS Đặng Văn Hà, một số nơi khi trồng lại đổ bê-tông, xây bồn gạch, lát đá sai cách khiến rễ cây khó hô hấp, rễ chính dần bị hỏng, chỉ còn rễ tơ, rễ con làm mất khả năng bám trụ. Về giải pháp ngăn ngừa cây ngã đổ, ở trường học, công viên, cơ quan, nên chọn một số loại cây tạo bóng mát, thân cành dẻo dai như: bàng lá nhỏ, sao đen, sấu, giáng hương hay gõ đỏ theo từng vùng. Cây nên được kiểm tra định kỳ, theo dõi việc ra hoa, thay lá có đúng quy luật thời tiết. Nếu thấy lá cây đỏ, rụng nhiều, cành lá rũ xuống có thể bị sâu mục bên trong. Theo ông Hà, cây ở tuyến đường, nhất là khu trung tâm thành phố không nên vượt quá độ cao 20 m. Với những cây cổ thụ, cao từ 30 m trở lên nên được cắt, tỉa cành hoặc tính toán chống đỡ, chia theo từng đợt để chúng không bị suy yếu, chết dần do dông, lốc quật ngã.

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh Lê Công Phương, hiện đơn vị từng bước đầu tư trang bị máy kiểm tra khuyết tật cây xanh. Đây là thiết bị đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh có cấu trúc để biết được mật độ của nó, thường là để hình dung các khuyết tật của gỗ... Tuy nhiên, các phép đo không tự giải thích được “bệnh” của cây xanh, việc đánh giá đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm.

Do đó, đơn vị đang từng bước phối hợp các nhà khoa học chuyên ngành để thử nghiệm trên những chủng loại cây tại TP Hồ Chí Minh nhằm thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ các bước phân tích, xây dựng quy trình đánh giá trên cơ sở khoa học. Từ đó, phục vụ cho công tác quản lý cây xanh được tốt hơn.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP Chí Minh, trong chương trình phát triển công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn giai đoạn 2020-2030 đã được UBND thành phố ban hành, mục tiêu đối với hệ thống cây xanh đô thị là an toàn, mỹ quan và bền vững, đặc biệt yếu tố an toàn được chú trọng đặt lên hàng đầu.