Báo cáo TIP 2022 chưa nhìn nhận khách quan và chính xác công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam

Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm đều tổ chức xếp hạng, đánh giá các quốc gia về cấp độ, ứng phó với mua bán người, trong đó có Việt Nam (Báo cáo TIP). Báo cáo năm nay công bố vào ngày 19/7 vừa qua, theo đó, Việt Nam bị hạ bậc xuống Nhóm 3 - các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn mua bán người và không có các nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Việc hạ bậc xếp hạng của Việt Nam trong bối cảnh các ban, bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống mua bán người; số vụ, số nạn nhân đã giảm so năm 2020 cho thấy báo cáo TIP 2022 đã không dựa trên tình hình thực tế và không phản ánh đầy đủ, chính xác các nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống vấn nạn này.
0:00 / 0:00
0:00
Thân nhân các phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người ở Montana, Mỹ biểu tình im lặng năm 2021. Ảnh: CNN
Thân nhân các phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người ở Montana, Mỹ biểu tình im lặng năm 2021. Ảnh: CNN

Những con số “biết nói”

Liên quan vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định quan điểm của Việt Nam “mong muốn phía Mỹ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”. “Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người”, bà Hằng nhấn mạnh.

Nhìn một cách tổng quát, thế giới còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài với tội phạm mua bán người khi tình trạng đói nghèo, thiếu việc làm, bất ổn, nội chiến vẫn còn tồn tại, đeo bám, đặc biệt là các nước đang phát triển, chậm phát triển ở khu vực châu Á, châu Phi, Trung Đông... Theo Tổ chức phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), trên thế giới, tình hình tội phạm mua bán người, di cư trái phép đang diễn ra rất phức tạp. Hằng năm có khoảng 17,5 triệu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Lợi nhuận từ các hoạt động mua bán người khoảng gần 40 tỷ USD/năm, chỉ đứng sau mua bán ma túy và vũ khí.

Với Việt Nam, một nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, cũng phải đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức của khu vực, trong đó có vấn đề an ninh phi truyền thống, tội phạm hình sự có diễn biến phức tạp. Ngoài những loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, thì tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em và các hành vi có liên quan như mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán mô và nội tạng cơ thể người, xuất nhập cảnh trái phép để tìm việc làm, kết hôn tại nước ngoài cũng là vấn đề rất đáng quan ngại, đặt ra những thách thức và trọng trách cho các lực lượng chức năng.

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, bằng việc xây dựng và ban hành, triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người ở Việt Nam theo từng giai đoạn 5 năm (Chương trình 130/CP), công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam đã có bước chuyển tích cực. Hiện, các bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, các địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138) của Chính phủ đang triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022. Chính phủ dành riêng một ngày (ngày 30/7) hằng năm là ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành đều có đề án, kế hoạch thực hiện các hoạt động phòng, chống mua bán người. Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, trong 5 năm trở lại đây, số vụ, số đối tượng và số nạn nhân của nạn mua bán người đã được kiềm chế và kéo giảm đáng kể theo từng năm.

Năm 2015, cả nước phát hiện, điều tra xử lý 407 vụ/655 đối tượng, lừa bán 1.128 nạn nhân; năm 2019 chỉ còn 192 vụ/256 đối tượng, lừa bán 309 nạn nhân. Năm 2021, toàn quốc chỉ phát hiện 77 vụ/149 đối tượng, lừa bán 150 nạn nhân. Hướng đi của tội phạm mua bán người chủ yếu đưa ra nước ngoài chiếm 90%; trong đó sang Trung Quốc chiếm hơn 70%, còn lại sang các nước láng giềng khác, các nước trong khu vực và một số nước châu Âu... Báo cáo của các Tòa án nhân dân cho thấy, kết quả xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự từ năm 2016 đến năm 2021 về tội mua bán người đã giải quyết là 450 vụ/506 vụ án thụ lý và tội mua bán người dưới 16 tuổi đã giải quyết là 190 vụ/225 vụ án thụ lý. Đây là những con số “biết nói” minh chứng những nỗ lực không biết mệt mỏi của Việt Nam trong phòng, chống nạn mua bán người.

TIP là báo cáo hằng năm theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Mỹ năm 2000 do Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Quốc hội nước này, trong đó nhận xét công tác phòng, chống mua bán người của 188 quốc gia trên thế giới.

Huy động mọi nguồn lực trong phòng, chống mua bán người

Như vậy, rõ ràng kết quả kiềm chế và kéo giảm số vụ, số đối tượng phạm tội, số nạn nhân bị mua bán là thành quả đáng ghi nhận từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Vậy mà trong Báo cáo TIP 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ lại coi đây là một trong những điểm tồn tại để làm căn cứ hạ bậc xếp hạng của Việt Nam. Báo cáo về tình hình mua bán người của Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng một số thông tin, số liệu của các bộ, ngành của Việt Nam cung cấp, nhưng cách nhìn nhận, đánh giá của phía Mỹ lại dựa trên thông tin của các tổ chức xã hội dân sự và số người Việt lưu vong ở Mỹ. Đây là điều hết sức vô lý!

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là bảo vệ các quyền của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong những chương trình phòng, chống mua bán người các giai đoạn, đều huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành và toàn thể người dân. Chính phủ đã dành một nguồn lực đáng kể cho việc thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người hằng năm.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua và ban hành một bộ luật riêng về phòng, chống mua bán người, đồng thời đề nghị Chính phủ ra Nghị định (NĐ 62/2012/NĐ-CP) về công tác xác minh, xác định, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán; giao cơ quan tư pháp ra thông tư, nghị quyết hướng dẫn về công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người (hiện có Nghị quyết 02/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán).

Về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người: Xác định MBN là loại tội phạm mang tính toàn cầu, rất khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra xử lý, Chính phủ đã giao các bộ, ngành tích cực đẩy mạnh những hoạt động, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực đa phương và song phương (các hiệp định hợp tác với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thailand, hiện đang xúc tiến với Malaysia); biên bản ghi nhớ với Vương quốc Anh; tham gia các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao năng lực và quan hệ phối hợp.

Những nỗ lực trên đã kiềm chế và kéo giảm căn bản tội phạm mua bán người (số liệu nêu trên). Tuy nhiên, tội phạm vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân từ tình hình kinh tế-xã hội của một nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, đông dân, nhu cầu về việc làm lớn; địa hình, địa lý phức tạp, đường biên giới trên biển, trên bộ trải dài, hiểm trở là điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động. Nhiều người dân khi xuất cảnh từ Việt Nam là hợp pháp, ra đến nước ngoài mới bị lừa bán...

Có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và trải rộng trên nhiều phương diện nhằm buộc loại tội phạm này phải “sa lưới”.

Hiện, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người. Trong giai đoạn sắp tới của Chương trình phòng, chống mua bán người, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của toàn xã hội trong phòng, chống mua bán người; đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các nước, các tổ chức quốc tế; bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người (xem xét sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012); nâng cao năng lực cho các cơ quan hành pháp, tư pháp trong đấu tranh, ứng phó với tội phạm mua bán người...

Trong báo cáo tình hình mua bán người năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam trong Nhóm 3. Theo báo cáo này, những nước nằm trong Nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Mỹ trong tương lai. Báo cáo trên có những nhận xét chưa khách quan và chính xác, không phản ánh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua.