Nhiều tín hiệu từ thực tế cho thấy chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023 tới đây được dự báo sẽ là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, bởi những hệ lụy tồn tại từ thực tế ở nhiều mặt, do các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thiếu lành mạnh, thị trường bất động sản phát triển thiên lệch về nguồn cung, thị trường chứng khoán sụt giảm cho tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, thuốc men, trang thiết bị y tế… tất cả đều đã được các cơ quan của Chính phủ và các chuyên gia phân tích một cách cặn kẽ, tỉ mỉ.
Thấy rõ những hạn chế, vướng mắc để từ đó có các giải pháp một cách nhanh chóng, kịp thời; nhìn rõ những bất cập từ thực tế để có những phương án giải quyết cụ thể trên tinh thần đổi mới, nhanh chóng và hiệu quả, từ đó đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp và các chủ thể liên quan là yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ trong thời gian tới.
Nhìn nhận từ thực tế khách quan, chỉ ra hiện tượng thị trường chứng khoán bị “thổi giá”, tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích và đưa ra nhận định, đó là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển, do nhiều nguyên nhân. “Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Tin rằng với tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”, chúng ta sẽ tìm ra biện pháp giải quyết những khó khăn trước mắt một cách nhanh chóng, để nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững.