Bản án thích đáng cho kẻ phát tán tin giả

Người dẫn chương trình và sáng lập trang web tai tiếng InfoWars, Alex Jones đang phải đối mặt những khoản bồi thường lên đến gần 1 tỷ USD cho gia đình các nạn nhân của vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook, vì cho rằng vụ xả súng là một “vở kịch” và gia đình các “nạn nhân” là diễn viên được trả tiền. Vụ việc cũng là cột mốc trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch, tin giả của giới chức Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Alex Jones trả lời báo giới bên ngoài phiên tòa xét xử ông này hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: NEWS TIMES
Alex Jones trả lời báo giới bên ngoài phiên tòa xét xử ông này hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: NEWS TIMES

Thuyết âm mưu hay tin giả?

Ngày 12/10 vừa qua, Hội đồng xét xử tòa án bang Connecticut (Mỹ) đã phán quyết “ông trùm thuyết âm mưu” Alex Jones (48 tuổi) phải trả tới 965 triệu USD cho các gia đình nạn nhân của vụ xả súng hàng loạt Sandy Hook năm 2012 vì loan truyền sai sự thật rằng họ là diễn viên đã tạo nên thảm kịch giả mạo. Trước đó, hồi tháng 8/2022, Jones và công ty của mình cũng bị buộc tội và phải trả 49,3 triệu USD trong một vụ kiện tương tự ở Austin, bang Texas, nơi đặt trụ sở chính của trang web InfoWars.

Theo Reuters, tòa án bang Connecticut đã lấy kết luận trong vụ kiện ở Texas làm tiền đề cho kết luận của mình. Trong vụ kiện ở Texas, ban đầu, tòa yêu cầu Jones trả cho gia đình nạn nhân 4,1 triệu USD tiền bồi thường thông thường đối với tổn thất của cha mẹ các nạn nhân, nhưng sau đó tiếp tục tuyên bố ông Alex Jones phải trả thêm 45,2 triệu USD cho các gia đình vì ông lan truyền thông tin sai sự thật rằng thảm kịch này là một trò lừa bịp.

Alex Jones là người dẫn chương trình, viết kịch bản và sản xuất phim người Mỹ. Jones đứng tên một chương trình truyền hình tự sản xuất, có tên là “The Alex Jones Show” ở Austin (Texas) và làm việc cho kênh truyền thông Genesis Communications Network (GCN) thực hiện các chương trình phát trên sóng truyền hình và truyền dẫn trực tuyến khắp nước Mỹ. Tên tuổi của Alex Jones được biết đến nhiều hơn trong vai trò là nhà sáng lập trang web InfoWars chuyên đăng tải và phát tán các thuyết âm mưu được nhiều người theo dõi. Jones cũng sở hữu hai trang web khác là NewsWars và PrisonPlanet, đều là các trang tuyên truyền thuyết âm mưu và tin giả lẫn với các tin tức thường thức trong nhiều lĩnh vực.

Trang InfoWars của Alex Jones đã đăng hàng loạt tin giả quanh vụ xả súng xảy ra vào sáng 14/12/2012 ở Trường tiểu học Sandy Hook, thị trấn Newtown, bang Connecticut miền nam nước Mỹ; cho rằng vụ việc do chính phủ… dựng ra để kiểm soát súng và gia đình các nạn nhân trong vụ thảm sát là diễn viên được trả tiền. Tương tự, trong vụ xả súng ở Trường trung học Parkland, bang Florida tháng 2/2018, InfoWars cũng đưa ra nhiều thông tin sai lệch. Ngoài ra, Jones đã cổ xúy cho những thuyết âm mưu về vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma năm 1995, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 hay sự kiện đổ bộ lên Mặt trăng năm 1969…

Trong vụ xả súng ở Trường tiểu học Sandy Hook khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, Jones gọi vụ thảm sát do chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama dàn dựng và gia đình các nạn nhân đã nói dối về vụ việc. Lập luận của Jones cho rằng sự kiện được tạo ra để kêu gọi dư luận nhằm kiểm soát quyền sở hữu và sử dụng súng của người dân Mỹ, khiến vẫn có không ít người ủng hộ thuyết âm mưu này. Trong suốt một thời gian dài, những thông tin sai lệch vẫn tồn tại song song cùng các tin tức khác, gây ảnh hưởng, tổn thất về tinh thần và danh dự cho gia đình các nạn nhân. Song những tin tức này lại giúp thu hút đến hàng triệu lượt xem và thu lợi không nhỏ cho trang web.

Năm 2018, tám gia đình các nạn nhân trong vụ Sandy Hook đã kiện Alex Jones và trang InfoWars ra tòa về tội xâm phạm đời tư, vu khống và gây thiệt hại về tinh thần, trong đó có hai vụ kiện đệ trình ở bang Texas và một vụ kiện tập thể ở bang Connecticut. Đơn kiện khẳng định có hơn hai triệu lượt xem tin giả của Alex Jones trên YouTube và Alex Jones đã cố tình sử dụng tin giả nhằm thu lợi đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Trong một phiên điều trần năm 2021, Jones thừa nhận rằng “vụ giết người hàng loạt ở Sandy Hook thật sự đã xảy ra, ngay cả khi điều này bị công chúng nghi ngờ”.

Bản án thích đáng cho kẻ phát tán tin giả ảnh 1

Cảnh sát đưa ra bằng chứng về vũ khí được sử dụng trong vụ thảm sát tại Sandy Hook. Ảnh: THE WASHINTON POST

Kết cục của những kẻ trục lợi từ tin giả

Các luật sư cáo buộc Jones và công ty mẹ của InfoWars là Free Speech Systems đã trục lợi từ các tin tức sai sự thật về vụ thảm sát. Theo The Guardian, những chuyên gia được mời đến phiên tòa làm chứng chỉ ra rằng, lượng khán giả cũng như doanh thu bán sản phẩm truyền thông khác của Alex Jones đã tăng lên trong các chương trình lấy Sandy Hook làm chủ đề. Dù không công khai tài chính song theo ABC News, trang web InfoWars đã mang lại doanh thu 165 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Trong khi đó, ông Alex Jones không thể trình ra bằng chứng để phản đối cáo buộc InfoWars trục lợi từ việc cố tình truyền bá thông tin sai lệch. Do vậy, phán quyết của tòa án yêu cầu Jones và công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định. Alex Jones cũng đang phải đối mặt phiên tòa thứ ba, dự kiến diễn ra ở Texas vào cuối năm nay với những cáo buộc tương tự hai vụ vừa qua.

Những trang web lan truyền “thuyết âm mưu” không có căn cứ hoặc tin tức giả, bóp méo, sai lệch vẫn thịnh hành không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, công ty mẹ Free Speech Systems của InfoWars đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, song trang web vẫn hoạt động và tiếp tục lưu trữ không ít thông tin đã được khẳng định là “tin vịt”. Vì vậy, phán quyết trong vụ án liên quan đến các nạn nhân Sandy Hook chống lại Alex Jones có ý nghĩa răn đe đáng kể. Thời gian qua, một “hệ sinh thái” độc hại gồm các tin tức sai lệch nhưng lại dễ thu hút sự quan tâm và chia sẻ trên mạng xã hội đã len lỏi khắp không gian mạng, chẳng hạn những “thuyết âm mưu” xoay quanh đại dịch Covid-19 hay tin tức cực đoan quanh các cuộc bầu cử…

GS Eugene Volokh tại Trường đại học California - Los Angeles (UCLA) cho rằng, phán quyết vừa qua là một đòn giáng mạnh vào những kẻ trục lợi từ tin giả. Những tin tức giả độc hại đã khiến nhiều người theo dõi và ủng hộ Alex Jones, song lại làm cho gia đình của các nạn nhân bị quấy rối và thậm chí từng bị đe dọa sát hại. Việc các tòa án đưa ra mức phạt khổng lồ là khoản tiền bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt nhằm vào bị đơn, đồng thời cũng nhằm mục đích răn đe với những hành động phát tán tin giả đầy rẫy không thể kiểm soát hiện nay. The Guardian dẫn lời một nhân chứng trong vụ kiện cho rằng, bài học từ bản án đối với Alex Jones sẽ khiến cho những “Alex Jones” khác nhận thức được rằng họ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm với những tin tức mình lan truyền.