Bài toán việc làm cho thanh niên

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) cho thấy, trong ba năm qua, tại nước này có khoảng 80.000 người từ 15 đến 29 tuổi không có việc làm nhưng chấp nhận không tìm việc cũng như không đi học. Xây dựng thị trường lao động tích cực, bảo đảm việc làm trong giới trẻ đang là một trong những ưu tiên của “xứ sở kim chi”.
0:00 / 0:00
0:00
Hàn Quốc xây dựng thị trường lao động tích cực. Ảnh: KOREA.NET
Hàn Quốc xây dựng thị trường lao động tích cực. Ảnh: KOREA.NET

Những con số đáng lo ngại

Yonhap dẫn số liệu của KOSTAT cho hay, những người được phân loại trong nhóm “Không tham gia giáo dục, làm việc hoặc đào tạo” (NEET) chiếm 36,7% trong số 218.000 người từ 15 đến 29 tuổi, đã thất nghiệp từ ba năm trở lên. Số liệu được tính đến tháng 5/2023. Theo các chuyên gia về việc làm, dữ liệu về NEET cho thấy mức độ nghiêm trọng khi tình hình kinh tế đang thay đổi và dân số quốc gia Hàn Quốc đang suy giảm và già hóa nhanh chóng.

NEET được phân loại là những người không sẵn sàng tìm việc sau khi liên tục không có việc làm, do đó thậm chí họ không được tính vào lực lượng lao động, cả hoạt động và không hoạt động trên thị trường việc làm. Nhiều người trong số những người thất nghiệp dài hạn này có bằng đại học, nhưng do không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp nên khả năng họ từ bỏ việc tìm việc làm càng cao. Tỷ lệ tích cực tìm kiếm việc làm của họ là 53% trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp, song giảm xuống còn 36,5% nếu đã tốt nghiệp được ba năm.

Lý giải nguyên nhân của việc nhóm NEET chiếm tỷ lệ cao trong giới trẻ Hàn Quốc, các nhà phân tích cho rằng, do tỷ lệ trúng tuyển đại học cao hơn so các nước khác, cùng số lượng ngày càng tăng các vị trí không ổn định hoặc các công việc có điều kiện lao động kém đã làm giảm động lực làm việc của người trẻ. So những năm 90 thế kỷ trước, chỉ có 40% người Hàn Quốc đăng ký học đại học, nhưng kể từ giữa những năm 2000, tỷ lệ này đã ở mức khoảng 80%, nghĩa là cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người tốt nghiệp đại học. Với trình độ học vấn cao của người tìm việc, họ kén chọn việc làm hơn và tăng trưởng việc làm tập trung vào các công việc không thường xuyên, từ đó khiến tình trạng nhiều người trẻ từ bỏ hoàn toàn ý định tìm việc làm ngày càng phổ biến.

Theo một báo cáo về NEET do Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) thực hiện, tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc trong nhóm NEET ngừng tìm việc hoàn toàn thường cao hơn các nhóm thất nghiệp từ sáu tháng đến một năm. Một số lượng đáng kể người được hỏi cho biết, họ chỉ dành thời gian ở nhà. Lý do phổ biến nhất làm gián đoạn việc tìm việc làm là “không có việc làm với mức lương và điều kiện làm việc mong muốn”. Trong một bản điều tra những người ở độ tuổi 20 không tham gia hoạt động kinh tế, khoảng 45% trong số họ đánh dấu là “đã được nhận vào các cơ sở giáo dục chính quy”, tiếp theo là khoảng 30% đánh dấu họ chỉ đơn giản là nghỉ ngơi. Có rất nhiều trường hợp NEET thiếu kinh nghiệm làm việc hoặc đã từng có việc làm nhưng không duy trì. Trong số những người thuộc nhóm NEET có kinh nghiệm làm việc, một số có thể đã ký hợp đồng làm việc từ một năm trở xuống hoặc có công việc tạm thời. Những thanh niên trong nhóm NEET được phân loại là dài hạn khi họ đã thất nghiệp ít nhất một năm vì khó kiếm được việc làm.

Chuyên gia phân tích Kim Gwang-sik của HRI cho biết: “Khi những người trẻ không tìm được việc làm hoặc chỉ tìm được một công việc chất lượng thấp, họ có xu hướng ngừng tìm kiếm việc làm hoặc mất hứng thú tìm việc làm”. “Hàn Quốc có tỷ lệ lao động không thường xuyên cao và tỷ lệ NEET tương đối cao. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở đây thấp hơn so các nước khác nhưng thực tế tỷ lệ NEET cao trong cơ cấu lao động, đang là một thách thức mà thị trường lao động Hàn Quốc phải đối mặt”, một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cho biết.

Bài toán việc làm cho thanh niên ảnh 1

Công việc không đáp ứng nhu cầu khiến một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc không mặn mà tìm việc. Ảnh: TIMES

Bài toán khó của nhiều quốc gia

Trong báo cáo về Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2022 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ước tính lên tới 14,9% vào năm 2022, tương đương mức trung bình toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ đó thể hiện mức giảm so năm 2021 (15,5%), nhưng vẫn cao hơn mức chuẩn trước đại dịch Covid-19 là 13,3% vào năm 2019. Trong đó, tỷ lệ thanh niên trong nhóm NEET cũng tăng vọt trong khu vực do đại dịch, lên tới 24,8% vào năm 2020 và cao hơn mức trung bình toàn cầu là 23,3%. Thống kê cho thấy tỷ lệ NEET ở phụ nữ trẻ cao hơn gần 2,5 lần so nam thanh niên.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và an ninh. Theo OECD, thất nghiệp dài hạn là những người thất nghiệp từ 12 tháng trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cho thấy nó gây ra căng thẳng đáng kể về tinh thần và vật chất cho những người bị ảnh hưởng và gia đình họ. Đây cũng là mối quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, vì tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cao cho thấy thị trường lao động đang hoạt động kém hiệu quả.

Báo cáo của ILO nhận định điều kiện kinh tế xấu đi có khả năng làm tăng thêm tỷ lệ NEET trong giới trẻ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với những tác động lâu dài tiềm tàng đối với quỹ đạo việc làm và thu nhập của những cá nhân bị ảnh hưởng. Khoảng cách giới tính trong tỷ lệ NEET cũng có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) và tỷ lệ việc làm trên dân số (EPR).

Tại Hàn Quốc, nhóm chuyên gia về việc làm của HRI phân tích: “Sẽ vẫn rủi ro khi nói rằng, vấn đề của NEET đang được giải quyết, vì nền kinh tế của Hàn Quốc được cho là đang trên đà phục hồi, sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn có thể khuyến khích họ tìm kiếm việc làm trở lại”. Hiện tỷ lệ có việc làm của những người 15 tuổi trở lên là 63,2%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc không đưa NEET vào lực lượng lao động có thể dẫn đến nghi ngờ về mức độ tin cậy của dữ liệu, liên quan khả năng tận dụng lực lượng lao động sẵn có để ứng phó việc tăng trưởng chậm lại và thay đổi nhân khẩu học.

Đặc biệt, số người trẻ nghỉ việc và không muốn tìm việc làm khác hay tiếp tục học tập gia tăng, trong bối cảnh Hàn Quốc phải vật lộn để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và một xã hội đang già đi nhanh chóng. Đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng về tình trạng việc làm trong thanh niên. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đã phải triển khai thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động.

Để giải quyết bài toán trên, Hàn Quốc hiện triển khai một loạt các chính sách xây dựng Thị trường lao động tích cực (ALMP). ALMP bao gồm các hình thức, biện pháp xúc tiến việc làm khác nhau như dịch vụ tư vấn việc làm để tìm việc làm mới, hỗ trợ chuẩn bị sơ yếu lý lịch và phỏng vấn việc làm, giới thiệu hoặc thông tin về các công việc hiện có hoặc hỗ trợ tái đào tạo và nâng cao kỹ năng. Chính sách ALMP gồm bốn loại chính: Đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, trợ cấp lương hoặc các chương trình công cộng và hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoặc những người tự kinh doanh.