Bài toán thích ứng

Làn sóng sa thải nhân viên của các hãng công nghệ rộ lên từ năm ngoái vẫn chưa dừng lại, lý do chủ yếu vẫn là sức ép từ kinh tế bất ổn và nguy cơ suy thoái gia tăng. Đáng lo ngại là xu hướng này đã mở rộng sang các lĩnh vực khác.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: TIMES NOW NEWS
Nguồn: TIMES NOW NEWS

Hôm 10/2, Yahoo thông báo sẽ giảm 20% nhân lực trên toàn cầu, trong đó 1.000 người phải nghỉ việc ngay trong tuần trước. Trước đó, GitLab Inc khởi động chương trình cắt giảm nhân sự, đợt đầu tiên sa thải khoảng 7% tổng số nhân viên. Zoom cũng xác nhận giảm 15% nhân lực, trong khi Dell thông báo giảm khoảng 6.650 việc làm. Hồi tháng 1, các “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft và Amazon công bố đợt cắt giảm nhân sự mới, với lần lượt là 12.000, 10.000 và 18.000 người.

Làn sóng sa thải cũng đã lan tới các ngành khác: Công ty giải trí Walt Disney tuần trước thông báo cắt giảm 7.000 nhân sự. Hãng sản xuất ô-tô điện Rivian giảm bớt 6% nhân lực. Hay, Philips có kế hoạch sa thải 6.000 nhân viên…

Các kế hoạch sa thải mới đã nối dài làn sóng tinh giản nhân lực bùng lên từ cuối năm 2022. Lý do chính được các “gã khổng lồ công nghệ” đưa ra là giảm sút về nhu cầu của khách hàng và nhiệm vụ bảo đảm lợi nhuận. Đây là bước đi không thể tránh khỏi nhằm thích ứng bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn.

Những nhân viên bị cắt giảm là người chịu thiệt thòi nhất khi bị cuốn vào “bão sa thải”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đó chưa hẳn là kết thúc tồi tệ khi làn sóng sa thải tại các hãng công nghệ lại có thể mang đến cơ hội cho các công ty khởi nghiệp (startup), hay những doanh nghiệp mong muốn thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo trang Layoffs.fyi, nhu cầu về các kỹ sư lành nghề trong lĩnh vực công nghệ vẫn rất cao. Công ty dịch vụ việc làm ZipRecruiter ước tính, khoảng 80% số nhân viên bị các công ty công nghệ sa thải đã tìm được việc làm mới. Trong đó, gần 30% số người tìm được việc làm trong các ngành khác, như bán lẻ, tài chính, chăm sóc sức khỏe…

Thực tế trên gợi mở giải pháp thích ứng cho chính người lao động. Giới chuyên gia của KPMG cho rằng, nhiều doanh nghiệp luôn có nhu cầu đối với lao động tay nghề cao. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động sở hữu kỹ năng công nghệ, hay có tay nghề cao vẫn có nhiều cơ hội.