Theo Báo cáo môi trường 5 năm do Chính phủ Australia công bố hồi tháng 7, nước này đã mất nhiều loài động vật có vú hơn bất kỳ châu lục nào khác và là một trong những nước có tốc độ suy giảm loài nhanh nhất trong số các nước phát triển trên thế giới. Không chỉ vậy, số lượng loài động, thực vật được thêm vào danh sách bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao đã tăng trung bình 8% so báo cáo năm 2016.
Trước tình hình đó, ngày 4/10 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Australia, bà Tanya Plibersek cho biết, giới chức nước này sẽ tăng diện tích các khu bảo tồn thêm 50 triệu ha, ưu tiên 110 loài và 20 địa điểm. “Nhu cầu hành động để bảo vệ thực vật, động vật và hệ sinh thái của chúng ta khỏi nguy cơ tuyệt chủng chưa bao giờ lớn hơn bây giờ”, bà Plibersek nhấn mạnh. Chính phủ Australia trước đó cũng đưa ra cam kết trị giá 224,5 triệu AUD (146 triệu USD) để giúp bảo vệ các loài động, thực vật bản địa đang bị đe dọa của quốc gia này.
Theo Reuters, Australia có diện tích đất liền lớn thứ sáu trên thế giới, là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như gấu túi và thú mỏ vịt. Tuy nhiên, số lượng của các loài này đang giảm dần do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và con người tác động xấu đến môi trường sống của chúng. Tháng 2 năm nay, gấu túi sống dọc theo phần lớn khu bờ đông Australia đã được liệt kê vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng, sau khi các chuyên gia ước tính Australia đã mất khoảng 30% số lượng gấu túi trong bốn năm qua.
Thời gian gần đây, Australia đã bị tàn phá bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm các đám cháy rừng tàn khốc vào năm 2019 và 2020 ở phía đông, giết chết hơn một tỷ động và thiêu rụi một khu vực rộng 180.000km2, gần bằng diện tích một nửa nước Đức. Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đã hoan nghênh các nỗ lực bảo tồn của Chính phủ Australia, song kêu gọi các nhà chức trách đầu tư hơn nữa cho các kế hoạch phục hồi môi trường sống của mọi loài động, thực vật.