Áo dài Huế trong đời sống đương đại

Từng dành nhiều thời gian tìm hiểu về áo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, bảo tồn và phát huy giá trị áo dài trong đời sống đương đại vẫn còn những bước gập ghềnh. Theo chuyên gia này, cần có những giải pháp để làm sáng tỏ giá trị của trang phục áo dài nam và nữ.
0:00 / 0:00
0:00
Áo dài Huế trong đời sống đương đại

Hội thảo “Bàn về đường hướng phát triển áo dài Huế trong đời sống đương đại, một sự kiện” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023. Hội thảo thu hút nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý cùng các nhà thiết kế, nghệ nhân liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó các bên cùng tập trung phân tích các giải pháp để bảo vệ, phục hồi, nâng cao giá trị và phổ biến, lan tỏa áo dài trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thời đại đã đổi khác, nhu cầu cuộc sống hiện nay cũng khác nhưng áo dài cũng như một số di sản văn hóa của cố đô Huế vẫn là một tài sản trí tuệ độc đáo. Tài sản đó cần được bồi đắp thêm những giá trị mới để kết nối với mạch nguồn xưa, nhưng cần tránh không để bị lai căng, dung tục hóa. “Ngay trong những ngày được hồi sinh, chiếc áo dài ngũ thân xưa cũng không còn đúng nguyên mẫu. Vật liệu vải, kỹ thuật may thêu, nhuộm mầu cũng đã khác xưa, nhưng quan trọng nhất là hồn xưa vẫn còn trong vóc dáng của thời đại mới. Vì vậy, cần phải hết sức chú trọng giữ cho được hồn cốt xưa, nhưng phải cải tiến để phù hợp cuộc sống hiện đại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.

Nhà thiết kế Đoan Trang, Giám đốc Công ty Thêu May Đoan Trang cho hay, những năm gần đây, áo dài đã được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt tại Huế khi có đề án “Huế - Kinh đô áo dài” khiến chiếc áo dài được lan tỏa, được cộng đồng hưởng ứng. Đó không chỉ là việc gìn giữ nét đẹp truyền thống mà còn là cách quảng bá nét đẹp ấy rộng rãi đến công chúng. Tuy nhiên chiếc áo dài muốn tồn tại được giữa thời hiện đại cần cách tân nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống. Bà Đoan Trang cho rằng, ngoài một nền tảng chuẩn mực cần có một “kho ý tưởng” từ hoa văn, cách phối mầu, phom dáng để các nhà thiết kế thời trang dựa vào đó sáng tạo để tránh tạo ra những sản phẩm lệch lạc, phản cảm.