Ảnh hưởng của thời trang nhanh với môi trường

Một cuộc điều tra về rác thải của ngành công nghiệp thời trang cho thấy, các nước châu Âu đã bán hàng triệu tấn quần áo, trang phục cũ làm từ sợi nhựa tổng hợp sang các nước châu Phi và châu Á. Nhiều nước đã trở thành nơi tập kết rác thải bất hợp pháp của ngành công nghiệp thời trang nhanh và nay đối mặt những hậu quả không thể khắc phục vì ô nhiễm môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ đồ cũ Gikomba ở Kenya. Ảnh: WSJ
Chợ đồ cũ Gikomba ở Kenya. Ảnh: WSJ

Tác hại của thời trang nhanh

Thuật ngữ “thời trang nhanh” đề cập những loại hàng may mặc giá rẻ được sản xuất hàng loạt và người tiêu dùng có thể nhanh chóng lựa chọn mẫu mã phù hợp mà không cần may đo tốn nhiều thời gian. Mô hình thời trang nhanh là một hệ thống khép kín từ thiết kế, sản xuất, phân phối cho tới tiếp thị, giúp nhà bán lẻ tối ưu lợi nhuận trong khi cung cấp nhiều kiểu dáng và bán ở mức giá thấp. Số lượng quần áo “mì ăn liền” kiểu này được sản xuất trên toàn thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thời trang nhanh trong thời đại công nghiệp.

Reuters dẫn báo cáo do Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố gần đây đã chỉ ra rằng, các loại sợi dùng trong ngành dệt may đang có tác động đáng kể đến môi trường. Việc sản xuất các sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic là một quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng, đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và giải phóng khí CO2. Hơn nữa, những loại vải này phân hủy thành vi nhựa gây ô nhiễm đại dương và gây ra mối đe dọa đối với sinh vật biển. Một báo cáo năm 2017 của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ước tính rằng, khoảng 35% hạt vi nhựa trong đại dương là do quá trình xả nước giặt các loại vải tổng hợp như polyester ra sông ngòi.

Đồng thời, quy trình sản xuất da đòi hỏi một lượng lớn thức ăn chăn nuôi, tài nguyên đất, nước và nhiên liệu hóa thạch để chăn nuôi gia súc, trong khi thuộc da là một trong những quy trình độc hại nhất trong ngành thời trang, liên quan việc sử dụng các hóa chất như muối khoáng, formaldehyde, dẫn xuất nhựa than đá, các loại dầu và thuốc nhuộm khác nhau. Vì vậy, rác thải từ thời trang nhanh cũng là nguyên nhân lớn nhất tạo ra hạt vi nhựa và gây ô nhiễm nặng nề khó có thể khắc phục cho môi trường.

Thế nhưng, khối lượng xuất khẩu hàng dệt may đã qua sử dụng ở châu Âu, bao gồm cả quần áo và giày dép, đã tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm qua. EEA cũng phát hiện các loại sợi sinh học như rayon và viscose, dù được quảng cáo là vô hại song lại có tác động đáng kể đến môi trường. Các loại sợi có nguồn gốc từ thực vật và thường được ngành công nghiệp thời trang coi là lựa chọn thay thế sợi tổng hợp, vẫn gây áp lực lên môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên.

Rác thải “đội lốt” hàng dệt may

Vào năm 2000, Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu hơn 550.000 tấn hàng dệt may cũ, và đến năm 2019 con số này đã tăng lên 1,7 triệu tấn. Phần lớn trong số đó được xuất khẩu sang châu Á và châu Phi và tỷ lệ quần áo được tái sử dụng hay tái chế rất thấp và thường đều trở thành rác thải đem đi chôn lấp. Báo cáo của EEA nhấn mạnh, mặc dù người sử dụng ở EU “tặng” quần áo đã qua sử dụng của họ, với mục đích số quần áo đó sẽ đến tay những người có nhu cầu tái sử dụng, nhưng báo cáo của EEA cho rằng, điều này không phản ánh trên thực tế. Với sự gia tăng chóng mặt của thời trang giá rẻ và siêu nhanh, lượng rác thải dệt may cuối cùng lại được đưa đến các bãi chôn lấp để đốt cháy hoặc thải ra sông ngòi, đại dương, gây ô nhiễm không khí, đất và nước.

Theo CNN, châu Phi hiện là điểm đến lớn nhất của rác thải thời trang và hàng dệt may cũ của châu Âu, chiếm 46% lượng xuất khẩu của “lục địa già”. Chỉ một phần trong số đó được đem bán lại ở các chợ đồ cũ, nhưng phần lớn là bỏ đi hoặc không sử dụng được. Châu Á chiếm 41% hàng dệt may đã qua sử dụng của EU. Hàng dệt may cũ bán sang châu Á có thể được xử lý và tái sử dụng nhưng chiếm số lượng rất nhỏ, phần lớn được tái xuất khẩu sang châu Phi và cũng trở thành rác thải.

Theo báo cáo của EEA, hàng xuất khẩu dệt may đã qua sử dụng về nguyên tắc có thể được tái sử dụng ở các nước tiếp nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng thường không thể tái sử dụng hay tái chế, xử lý và được đem tới các bãi chôn lấp hoặc bãi rác. Theo đó, hiện chưa có thống kê về tỷ lệ tái sử dụng thực tế ở các nước tiếp nhận và khả năng xử lý hàng dệt may đã qua sử dụng, nhưng hoạt động xuất khẩu rác này được cho là không bền vững.

Năm 2019, năm nước châu Phi là Kenya, Uganda, Tanzania, Rwanda và Burundi đã lên kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu hàng dệt may đã qua sử dụng từ các quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng chỉ Rwanda thực hiện kế hoạch này. Kết quả cuộc điều tra do Tổ chức Thay đổi thị trường (CMF) và dự án Clean up Kenya thực hiện cho thấy, dù lệnh cấm xuất khẩu rác thải nhựa khó tái chế từ EU sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có hiệu lực từ tháng 1/2021, nhưng hơn 30% số quần áo xuất khẩu từ EU sang Kenya vẫn có chứa nhựa và hầu hết trở thành rác thải. Nghiên cứu này cho hay, Đức là quốc gia vi phạm nhiều nhất ở EU khi xuất khẩu hơn 50 triệu mặt hàng quần áo vào năm 2021, trong đó có hơn 25 triệu mặt hàng trở thành rác thải và gần 17 triệu mặt hàng thời trang nhanh có nguồn gốc từ nhựa; tiếp đó là Ba Lan, xuất khẩu hơn 12 triệu mặt hàng.

Theo bà Betterman Simidi Musasia, người sáng lập của Clean Up Kenya, tình trạng quá tải rác thải dệt may đã vạch trần mặt trái về thế giới thời trang, đồng thời việc buôn bán quần áo đã qua sử dụng từ châu Âu ở mức độ lớn và ngày càng tăng là một hoạt động buôn bán rác thải trái phép trong vỏ bọc hàng hóa”. Bà Musasia cho biết, các nhà bán lẻ ở Kenya chịu nhiều rủi ro khi nhập những kiện quần áo cũ vì họ không được mở ra và phân loại các mặt hàng, nên không thể biết mỗi kiện có thể bán lại được bao nhiêu và bao nhiêu trong số đó là không thể sử dụng được. Mỗi ngày ở Kenya, khoảng 150 đến 200 tấn chất thải dệt may có điểm đến là các bãi rác. Điều này có thể dễ dàng bắt gặp ở bãi rác Dandora, khu tập kết rác thải lớn nhất Đông Phi, nằm ở rìa chợ quần áo cũ Gikomba ở Thủ đô Nairobi của Kenya.

Ở châu Á, nước nhập khẩu hàng dệt may đã qua sử dụng lớn nhất là Pakistan. Nước này tái chế khoảng một nửa thành vải vụn công nghiệp và tái xuất khẩu nửa còn lại sang các nước đang phát triển khác, trong đó phần lớn đến châu Phi.

Báo cáo của EEA cảnh báo các nước EU cần phải thu gom và phân loại hàng dệt may riêng biệt với các loại rác thải khác. Ngoài ra, EU cũng đang đưa ra các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu những hàng dệt may đã qua sử dụng sang các nước đang phát triển, với lệnh cấm đối với tất cả rác thải dệt may dự kiến ​​sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay. Báo cáo của EEA nhấn mạnh rằng, châu Âu không có khả năng tiêu thụ hoặc tái chế hầu hết quần áo và giày dép đã qua sử dụng ở khu vực này. Khi các kênh xuất khẩu sang châu Á và châu Phi đóng lại, EU sẽ phải đối mặt với thách thức về cách xử lý hàng dệt may đã qua sử dụng của chính mình.