Đạo đức trong sử dụng AI
Khi AI trở thành một phần trung tâm của các sản phẩm và dịch vụ, các tổ chức trong các lĩnh vực sử dụng nó sẽ bắt đầu phát triển các quy tắc đạo đức của AI. Chúng là tập hợp các nguyên tắc hướng dẫn, giá trị và kỹ thuật được tạo ra để quản lý một cách có trách nhiệm việc thiết kế, phát triển và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Nhiều người cho rằng AI dễ gây ra tổn hại với người dùng. Nhưng điều này chỉ đúng khi được xem xét trong bối cảnh mối quan hệ của nó với người dùng cuối cùng. Vì AI trung lập về mặt đạo đức, còn con người phát triển các hệ thống AI có tư duy và thành kiến cá nhân. Do đó, điều quan trọng là phải cẩn trọng trong việc áp dụng AI trên quy mô lớn.
Các tổ chức đang sử dụng AI để quản lý và hướng các cá nhân đến hành động (hoặc không), bằng cách tạo ra “cú huých” hướng họ tới những hành vi mong muốn nhất định. Tuy nhiên, do các quy định hiện còn thiếu, dữ liệu thu thập về các cá nhân cũng có thể bị lợi dụng và được sử dụng để đưa họ vào các quyết định có thể không có lợi cho bản thân. Chính vì thế, cần phải xây dựng đạo đức cho AI.
Các quốc gia và cơ quan quản lý trên toàn cầu đang xây dựng chính sách và chiến lược để theo kịp sự phát triển của AI. Vào tháng 3/2017, Canada đã dẫn đầu bằng cách khởi động chiến lược AI quốc gia đầu tiên trên thế giới. Tháng 4/2018, Ủy ban châu Âu đã tổ chức một hội thảo về Trí tuệ nhân tạo. Đây là chiến lược quốc tế đầu tiên được công bố về cách giải quyết và tận dụng những thách thức do AI mang lại. Các quốc gia và chính phủ công nhận bản chất triệt để của AI và các tác động của nó và đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau phản ánh hệ thống kinh tế, văn hóa và xã hội của họ.
Australia cũng đã xuất bản Khung đạo đức AI. Đây là hướng dẫn cho các tổ chức và chính phủ nhằm bảo đảm việc áp dụng AI là an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Nó đề xuất rằng các hệ thống AI nên được xây dựng với các giá trị lấy con người làm trung tâm, phải tính đến hạnh phúc của cá nhân, xã hội và môi trường. Nó phải hòa nhập và dễ tiếp cận, đề cao quyền riêng tư, minh bạch…
Áp dụng đạo đức AI cho ngân hàng số
Trong ngành tài chính, các kỹ thuật khoa học hành vi đang thành công trong việc thay đổi thái độ của khách hàng đối với tiền của họ và giúp họ quản lý tài chính hiệu quả hơn, từ việc thúc đẩy các cá nhân thiết lập các mục tiêu tiết kiệm hoặc khiến người dùng phải theo dõi chi tiêu và lập kế hoạch tài chính...
Tuy nhiên, mối quan ngại hàng đầu vẫn nằm ở tác động của “cú huých” lên khách hàng và thậm chí còn hơn thế nữa khi chúng được hỗ trợ bởi AI. Vấn đề đặt ra là một “cú huých” phi đạo đức được hỗ trợ bởi AI có thể được sử dụng để thao túng, thay đổi hành vi người dùng, gây nên các tác động không lành mạnh. Chia sẻ thông tin, giúp người dùng cảnh giác với hành vi này sẽ giúp họ tăng khả năng đưa ra quyết định cẩn thận.
AI được áp dụng lành mạnh, hiệu quả trong hệ thống ngân hàng sẽ nâng cao phúc lợi tổng thể cho người dùng. Nó có thể là chìa khóa tạo ra những “cú huých” hợp đạo đức và người dùng cuối cùng có quyền tự do lựa chọn để quyết định những gì họ muốn trong bất kỳ tình huống cụ thể nào.
Hiện tại, các tổ chức tài chính ngày càng sử dụng nhiều các kỹ thuật AI trong hệ thống ngân hàng kỹ thuật số của họ để tạo ra thông tin chi tiết được cá nhân hóa và thúc đẩy hành động. Khi đó, cần bảo đảm rằng hành vi đạo đức AI được xem xét. Các hệ thống sử dụng AI nên được thiết kế theo cách cho phép nó minh bạch, có trách nhiệm và có thể giải thích được cho cả nhà phát triển và người dùng.
Nếu được thiết kế dựa trên đạo đức AI, các vấn đề như lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, thao túng hành vi hoặc thậm chí là thành kiến trong các thuật toán sẽ được giải quyết và quản lý hiệu quả khi các hệ thống và ứng dụng phát triển.