Theo Africa News, một số hộ sản xuất nhỏ ở Ai Cập đã triển khai phương pháp trồng thủy canh bên trong nhà kính được kiểm soát chặt chẽ về độ ẩm, ánh sáng… và cho thấy kết quả khả quan. “Chúng tôi sử dụng các chất nền như cát, sỏi, đất sét hoặc bọt biển để hỗ trợ rễ cây phát triển trong môi trường nước giàu dinh dưỡng, giúp canh tác hiệu quả hơn”, ông Ahmed Makady, một người làm nông nghiệp thủy canh cho hay. Gần đây, ông Makady vừa khai trương trang trại thủy canh thứ hai của mình ở tỉnh Al-Qalyubia, phía bắc Cairo.
Một báo cáo của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) năm 2020 cho thấy, phương pháp thủy canh chỉ sử dụng 10% lượng nước cần thiết so canh tác truyền thống, đồng thời, cũng làm giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu. Điều này rất cần thiết ở một quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước như Ai Cập. Theo ông Nouran El Said, nhà sáng lập công ty công nghệ nông nghiệp Plug’n’Grow có trụ sở tại Cairo (Ai Cập): “Canh tác không cần đất là một kỹ thuật cho phép sản xuất cây trồng chất lượng cao trong một môi trường được kiểm soát tốt”.
Tại những vùng khan hiếm nước, thủy canh hay nông nghiệp không cần đất có thể là giải pháp bền vững và cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, không phụ thuộc vào nhập khẩu. El Said giải thích: “Thủy canh góp phần giảm khoảng 90% lượng nước sử dụng trong nông nghiệp truyền thống nhờ vào hệ thống khép kín, đặc biệt khi kết hợp nuôi thả động vật như vịt, cá có thể tiết kiệm phân bón cho cây trồng”.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc triển khai kỹ thuật trồng thủy canh vẫn đối mặt với vấn đề chi phí cao, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước và kỹ thuật nuôi dưỡng cây trồng. Điều này là những hạn chế lớn đối với người dân và doanh nghiệp muốn đầu tư trong lĩnh vực này. GS Nông nghiệp Mona Zayed tại Đại học Ain Shams cho biết, vốn ban đầu của một trang trại thủy canh thương mại là khoảng hơn 110 nghìn USD. Khoản đầu tư lớn này có thể là thách thức lớn khi mở rộng triển khai thủy canh trong ngành nông nghiệp tại Ai Cập.