Xuất khẩu rau quả tăng trưởng tích cực

Với đà tăng trưởng tích cực như hiện nay, nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
0:00 / 0:00
0:00
Vải xuất khẩu của Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Vải xuất khẩu của Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), rau quả là ngành đem lại nhiều bất ngờ nhất. Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cả năm ngoái. Đây cũng là con số cao kỷ lục của ngành hàng này. Ngoài sự đóng góp lớn từ trái cây tươi, rau quả chế biến cũng đang có triển vọng tích cực khi góp 30% trong tỷ trọng xuất khẩu của ngành hàng.

Cuối năm có thể thu về 5 tỷ USD

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế bảy tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu khoảng 3,16 tỷ USD rau quả của cả năm 2022.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay. “Với đà tăng trưởng tốt, trong năm nay, xuất khẩu rau quả có thể cán đích sớm 5 tỷ USD”, ông dự báo.

Nhiều năm qua, Trung Quốc chiếm 60% thị phần xuất khẩu rau quả tươi Việt Nam. Điển hình, nửa đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Các loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, chuối đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt kéo dài, trong đó, từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ; tháng 6 - 10 là ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng Thailand, Philippines.

Các doanh nghiệp cho biết, trong hai quý cuối năm, gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong khi Trung Quốc là thị trường chính về xuất khẩu rau quả tươi thì nhóm rau quả chế biến lại tăng trưởng nhanh ở những thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.

“Đây là tín hiệu tốt giúp ngành rau quả Việt Nam tạo thêm lợi thế trên thị trường thế giới và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Nguyên nói.

Nửa năm nay, các sản phẩm trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai có thời gian sử dụng một - hai năm tiếp tục được mua nhiều ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, ba năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang đây tăng trưởng 30-45% mỗi năm. Tương tự, tại thị trường EU, rau quả chế biến Việt Nam xuất sang cũng tăng 10-20%.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Westfood), cho hay sáu tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chế biến của công ty tăng trưởng tốt, trong đó thị trường châu Âu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Nguyệt, năm nay, xuất khẩu rau quả chế biến sẽ tăng bứt phá khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Các thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, EU tăng mua.

“Chúng tôi đang dần tự chủ vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn Global GAP để đáp ứng tiêu chuẩn khó tính của người dân toàn cầu. Công ty đang có 140 ha dứa MD2 tại Hậu Giang, trong đó 30% đạt chứng chỉ Global GAP. Mục tiêu đến năm 2030, công ty cán đích quy mô 1.000 ha, 50% đạt chuẩn Global GAP”, bà Nguyệt nói.

Để đạt mục tiêu, Westfood đang đầu tư nhà máy chế biến ở Hậu Giang đạt chuẩn châu Âu với công suất 30.000 tấn một năm trên diện tích 70.000 m2.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng tích cực ảnh 1

Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao từ đầu năm đến nay. Ảnh: N.TÙNG

Đẩy mạnh sản phẩm chế biến

Rau quả Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thô, ở dạng quả tươi. Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng trái cây và rau thu hoạch hằng năm tại Việt Nam đạt hơn 31 triệu tấn nhưng đưa vào chế biến mới chỉ 4,5 triệu tấn, chiếm 14% trong tổng sản lượng rau quả cả nước.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, gia tăng chế biến. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả.

Một doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả cho rằng, thế giới đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau quả đã chế biến. Do đó, nếu biết tận dụng lợi thế và tạo hướng đi phù hợp, rau quả Việt Nam xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. “Chính phủ và các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến, hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ”, vị này đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt cho biết: ngành trồng trọt đang có xu hướng giảm diện tích để tập trung cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, điều này có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho rằng, doanh nghiệp ngành chế biến vẫn đối diện với nhiều thách thức liên quan cơ cấu sản xuất, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Việc phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất rau quả chế biến còn manh mún và chưa được hỗ trợ nhiều trong quy hoạch.

Một chuyên gia nông nghiệp cho hay: “Các cơ sở chế biến bảo quản trái cây vẫn ở quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu. Điều này khiến cho cảnh “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên và kim ngạch xuất khẩu rau quả chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường Trung Quốc đang áp chặt quy trình trồng trọt, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP) thì xuất khẩu sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Nếu giải quyết được những vấn đề trên, ông Nguyễn Như Cường cho rằng: “Tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD”.

Để xuất khẩu rau quả thêm thuận lợi, Bộ NN&PTNN cho biết, đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn.