Xuất khẩu đạt mốc cao mới

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng có kết quả xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm 2023 tới nay.
0:00 / 0:00
0:00
Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt hơn 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt hơn 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Lũy kế, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt gần 227 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kết quả 196,1 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng thêm 30,88 tỷ USD. Đáng chú ý, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu hơn 5 tỷ USD, chiếm 70,8%.

Một loạt thị trường lớn tăng trưởng khá

Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, trong 6 tháng vừa qua, ngành công nghiệp gỗ đã có bước phục hồi tăng trưởng đáng khích lệ với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc đều có tăng trưởng khá. Trong những tháng cuối năm, ông Hoài kỳ vọng, với sự cải thiện của kinh tế thế giới và thị trường toàn cầu, đặc biệt là với thị trường Mỹ – nơi nhiều người kỳ vọng từ tháng 9 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất xuống nên sức mua sẽ tăng lên. Dự báo, nửa cuối năm xuất khẩu gỗ sẽ cao hơn nữa và cả năm xuất khẩu hơn 16 tỷ USD.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp Hội Da - giày - túi xách Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt hơn 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024. Với tín hiệu tích cực này, dự kiến ngành sẽ đạt 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024.

Ngành dệt may Việt Nam đang có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu lạm phát được kiềm chế giúp sức mua tăng lên. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Đến nay, đơn hàng bắt đầu ổn định, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11/2024. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, thông thường xuất khẩu 6 tháng cuối năm thường cao hơn hoặc ít ra cũng tương đương kim ngạch của nửa đầu năm. Đơn cử như 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 164,68 tỷ USD, thấp hơn 25,32 tỷ USD so với 6 tháng cuối năm. Hay trong năm 2022 khi nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu kỳ lục 371,3 tỷ USD, kim ngạch 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm khá cân bằng. Vì vậy, nếu duy trì được kết quả đạt được tích cực trong 6 tháng cuối năm 2024, quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập kỷ lục mới là 380 tỷ USD, thậm chí vượt con số này.

Xuất khẩu đạt mốc cao mới ảnh 1

Doanh nghiệp ngành dệt may đã nhận được nhiều đơn hàng đến cuối năm. Ảnh: BẮC SƠN

Chủ động nắm bắt thông tin

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024, do Bộ Công thương tổ chức, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc hơn 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Tuy vậy, với sự phát triển kim ngạch thương mại giữa hai nước, hiện nay, thị trường Mỹ đang có rất nhiều rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế PVTM cũng như chuyền tải hàng hoá. Tính đến tháng 6, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc.

Còn theo ông Nguyễn Phú Hoà, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, sản phẩm chế biến, chế tạo của Việt Nam như điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh… rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn tại thị trường này. Tuy nhiên, hàng hoá Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh về chế biến, chế tạo như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Đáng lưu ý, ngoài Việt Nam, Australia có tới 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới; trong đó, có EU; các FTA đều mang lại nhiều ưu đãi cho các đối tác khác của Australia.

Ngoài ra, thị trường này cũng có quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả thị trường Mỹ và EU do người dân Australia chú trọng chất lượng sản phẩm với xu hướng đáng chú ý là sản phẩm tiêu dùng được đánh giá dựa trên tiêu chí "giá trị của đồng tiền" hơn là tiêu chí về giá. “Nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm. Đồng thời, thường xuyên, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, các chính sách mới của cơ quan chức năng liên quan tới sản phẩm xuất khẩu”, ông Hòa khuyến nghị.

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng, các tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao, đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới.

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các hiệp hội cần tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin về về giá cả thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng chủ lực.