Lắc lư vì rác thải
Gần đây, dọc đường bê-tông xuyên trên cánh đồng thuộc phường Cẩm Châu xuất hiện những ụ xi-măng đúc tròn như một cái giếng nhỏ, đề dòng chữ: “Hội Nông dân phường Cẩm Châu - hố thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”.
Như vậy, với dòng chữ trên, đối tượng được nhắc nhở là người nông dân, cần gom bao nylon, vỏ chai nhựa đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng đưa về đúng chỗ, chứ không được ném rải rác trên bờ, góc ruộng hoặc thả bồng bềnh trên mương máng theo kiểu tiện tay.
Ông Thái Văn Tùng, một nông dân ở phường Cẩm Châu, phát biểu: “Thực tế, lâu nay nông dân vẫn làm vậy, việc mình xong vứt ngay vỏ bao nhựa trên bờ ruộng. Nhưng thực tế, còn có nhiều đối tượng khác mang rác nhựa vứt dọc đường bê-tông của cánh đồng”.
“Nhựa do khách vứt là vỏ chai đựng đồ uống, bịch nylon đựng thức ăn mang đi, hộp giấy, bát nhựa, đĩa nhựa, ly nhựa, thìa nhựa, đũa tre bọc nylon, khăn ướt và thậm chí có cả bao cao-su sử dụng xong cũng vứt luôn ngoài đồng”, ông Tùng tính đếm.
Những ngày nắng nóng kéo dài vừa qua, người đi tập thể dục trên cánh đồng đều nhìn thấy và ngao ngán cho cảnh “hoa nhựa” đong đưa ngọn cỏ, dập dềnh mặt nước. Ông Tùng phân tích: “Do thói đời hết. Cần bỏ cái thói đó. Ra đồng đón luồng gió mát và ai cũng mang theo nước uống, đồ ăn ngồi rải rác trên những trục đường bê-tông, ăn uống rồi xả luôn”.
Chị Nguyễn Thị Loan bán các mặt hàng tiêu dùng trên đường Lý Thường Kiệt, sáng nào vợ chồng chị cũng đi tập thể dục trên đồng, cho rằng: “Thực tế, cần phải tuyên truyền những người ra đồng trong đêm. Người có cánh đồng cần cắt cử nhóm dân tự quản thay phiên nhau đi tuần trong đêm nhắc nhở người hóng mát trên đồng”.
Cung đường thể dục và du lịch trên cánh đồng Hội An đã không thể sạch sẽ vì đêm nào cũng có rác nhựa, nay lại thêm nhiều ụ bê-tông lắp ráp trên đồng. Thực tế, rác thải vẫn không đi đến chỗ ụ bê-tông ngoại trừ nhiều người mang túi rác ở nhà đưa ra ụ bê-tông.
Sự tiện lợi, rẻ tiền và bừa bãi
Những năm gần đây, các sản phẩm nhựa đi sâu vào đời sống với một sự tiện lợi lại rẻ tiền nhưng chính các sản phẩm này đang phá hỏng không gian sống quanh ta từ góc nhà, đường phố, từ cánh đồng đến sườn núi cao, từ con suối nhỏ đến bờ biển rộng dài chỗ nào cũng thấy rác nhựa dập dềnh mặt nước, ao đìa, len lỏi trong bãi cỏ, cuộn tròn thân cây ở những cánh rừng ngập nước.
Anh Đoàn Công Chức, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Khách đi một trang trại nuôi gà vịt trâu bò với mùi hôi không sao, họ đi qua đống phân ải bón lúa không sao... Nhưng họ đi qua đống rác thải từ sinh hoạt tuồn tấp đường vắng, góc đồng ruộng là họ gớm”.
“Một thành phố du lịch cần sạch sẽ mọi ngõ ngách, không gian chứ không phải chỉ tập trung trong phố, đường chính, đông người đi qua”, anh Chức nhấn mạnh.
“Hiện nay, trên các nền tảng quảng cáo, thấy họ bán túi nylon bọc dưa chuột, ổi, bưởi... thì thấy có gì đó coi được. Nhưng không dừng lại ở đó, họ quảng cáo bọc quả mướp đắng nữa thì thật tá hỏa vô cùng”, chị Nguyễn Thị Loan cho biết. “Quả mướp đắng rất ít khi bị sâu đục, ong châm cớ sao lại đem gói nó lại, điều này không những tốn tiền, tốn công mà trái mướp cũng mất ngon vì vỏ nó không được tiếp xúc với không khí, ánh nắng mặt trời”, anh Chức có cùng quan điểm với chị Loan, cho hay.
Chuyện về rác nhựa, ông Tùng lấy thí dụ: “Nếu nhà bạn có một đám đất nhỏ, bạn hãy cuốc một vài lát đất đưa vòi nước rửa cho đất trôi đi, bạn sẽ nhìn thấy những mảnh nhựa cứng cùng bao nylon nát vụn nhàu nhĩ nằm lại. Một cái cây mọc trên đất có nhiều nhựa vụn cũng sẽ bị ảnh hưởng đến sinh trưởng của bộ rễ và chất lượng của cây”.
Trở lại với cánh đồng của thành phố Hội An, chứng kiến rác thải nhựa và bàn biện pháp ngăn ngừa thói xả rác nhựa vô tội vạ thì nhìn chung Hội An cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, đều có một mẫu số chung là nhựa tiện dùng và cũng tiện tay vứt vì chưa có ý thức ứng xử với môi trường. Nhưng cũng ở Hội An có một nơi cần phải học hỏi về ứng xử với rác thải nhựa và môi trường trong lành, đó là ra đảo Cù Lao Chàm, không dùng túi nhựa, không rác thải nhựa. Thay vì học hỏi người ngoài đảo, nhân lên mô hình đó để tuyên truyền họ lại đưa mô hình ụ bê-tông ra cánh đồng, nó không thu gom được rác nhựa mà lại tạo ra trên cánh đồng những đè nén nặng nề.
Rác nhựa không hề nhỏ một chút nào và không hề ít ỏi, tại Hội nghị bộ trưởng 175 quốc gia thành viên LHQ tại Paris (tháng 5/2023) vừa qua về chống ô nhiễm nhựa, tổng kết năm 2019 thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn và dự báo đến năm 2060 là 1.321 triệu tấn nhựa. Và mỗi năm có khoảng 9 triệu tấn nhựa thải vào đại dương. Rác nhựa mỗi năm làm chết một triệu con chim, 100 nghìn động vật biển có vú.