Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Gần 116 nghìn cuộc thanh tra, kiến nghị truy thu 23.790 tỷ đồng nợ BHXH- đó là con số trong giai đoạn 2016-2023, cả nước tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị, doanh nghiệp, qua đó phát hiện, kiến nghị truy thu về các nguồn quỹ số tiền 23.790 tỷ đồng do chậm đóng, nợ đóng BHXH.
Trong hai tháng đầu năm 2024, BHXH thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiến hành 496 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện không ít vi phạm… Theo đó, BHXH thành phố công bố Kết luận số 933/KL-BHXH ngày 5/3/2024, yêu cầu Công ty CP Thương mại và cơ khí CNC Việt Nam (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) khẩn trương khắc phục vi phạm về đóng, nộp BHXH, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản... Hiện đơn vị này đã nộp số tiền chậm đóng BHXH hơn 200 triệu đồng.
Tương tự, tại Kết luận số 822/KL-BHXH ngày 26/2/2024 đối với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sông Đà - UCRIN (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân), BHXH thành phố cũng chỉ rõ vi phạm và yêu cầu đơn vị chuyển ngay hơn 600 triệu đồng về tài khoản thu của cơ quan BHXH do không đóng BHXH trong một số tháng…
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, hai tháng đầu năm nay, sau thanh tra, các cơ quan chức năng thành phố đã thu hồi số tiền gần 40 tỷ đồng do chậm thực hiện các chính sách liên quan.
Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: “Hiệu quả thanh tra, kiểm tra được nhận diện rõ hơn thông qua việc nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH của đại đa số người lao động, người sử dụng lao động; giảm dần tỷ lệ chậm đóng, nợ đóng”.
Không chỉ Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng xác định, việc thanh tra, kiểm tra là biện pháp then chốt nhằm đưa hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đi vào đời sống theo đúng “đường ray”.
Trong giai đoạn 2016-2023, cả nước tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị, doanh nghiệp, qua đó phát hiện, kiến nghị truy thu về các nguồn quỹ số tiền 23.790 tỷ đồng do chậm đóng, nợ đóng BHXH... Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH tham mưu ban hành hơn 5.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; gửi hơn 400 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Để chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, BHXH Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp. Lực lượng này hiện có gần 600 người, hoạt động thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Theo đó, năm 2024, BHXH Việt Nam tiến hành thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT tại nhiều địa phương. Ngoài ra, 63/63 tỉnh, thành phố cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra tại những đơn vị có dấu hiệu vi phạm.
Trong quá trình này, ngành BHXH sử dụng bộ tiêu chí nhận diện điện tử, gồm 121 dấu hiệu, qua đó đối chiếu, sàng lọc, phát hiện những chi tiết, số liệu có tính chất bất thường...
Tìm hiểu thông tin doanh nghiệp tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Còn tình trạng “lách luật”
Chia sẻ về hành trình nhiều năm đi “đòi” BHXH của hàng trăm người lao động, bà Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty CP Tập đoàn Haprosimex, cho biết: “Công ty CP Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 anh, chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền công ty nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỷ đồng”.
Do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản mặc dù con của họ đã lớn; có hai trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến trước tháng 3/2023, gia đình họ chưa nhận được chế độ tử tuất. Do không chấm dứt hợp đồng lao động nên người lao động không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề, họ phải đi làm thuê tại các xưởng gia công hoặc các công việc thời vụ như rửa bát thuê, xe ôm… để có tiền trang trải cuộc sống.
Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động”. Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người lao động đã làm đơn kêu cứu đến nhiều nơi, nhưng vô vọng. Sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, người lao động đã phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí. Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng BHXH của người lao động; phía cơ quan BHXH thành phố Hà Nội đã tiến hành chốt sổ BHXH cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty CP Tập đoàn Haprosimex để bảo đảm quyền lợi cho họ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng trả hết nợ BHXH cho người lao động như trường hợp nêu trên. Vẫn theo BHXH Việt Nam, hiện nay vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp cố tình “lách luật”. Đơn cử như các chế độ hỗ trợ (xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở...) không có mức trần, nên một số đơn vị chia nhỏ quỹ lương, đẩy thu nhập của người lao động vào các khoản hỗ trợ, nhằm giảm số tiền làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng, gây thiệt thòi cho nhiều bên. Điều này dẫn đến tình trạng, khi phát hiện, cơ quan BHXH không có đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị khởi tố...
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng BHXH đến gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ doanh nghiệp.
Người lao động đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với người lao động và chủ thể doanh nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng triển khai sử dụng BHXH số, hiện nay, tỷ lệ người lao động được cài đặt VSSID hơn 90%, người lao động có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT tại ứng dụng này. “Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm...”, ông Dương Văn Hào cho biết.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân đã bổ sung biện pháp xử lý trốn đóng BHXH, BHYT với những giải pháp mạnh như: Ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp chậm đóng BHXH; Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng BHXH... Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH rất phức tạp, cần nhiều thời gian và giải pháp mạnh hơn.
Theo ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, việc ngừng sử dụng hóa đơn là giải pháp mạnh để doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật BHXH, song chỉ nên áp dụng trong giai đoạn tới khi doanh nghiệp đã khoanh được nợ. Còn hậu quả trước đó do doanh nghiệp nợ đóng BHXH thì không nên áp dụng bởi chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động. “Nhiều doanh nghiệp sẽ chết do số nợ BHXH đã quá nhiều năm, chắc chắn việc ngừng sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp không còn hoạt động được, số tiền nợ BHXH hiện tồn đọng cũng rất lớn. Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp tồn tại được, nhưng với điều kiện nợ BHXH phải khoanh được trước khi đổi mới doanh nghiệp để sau đổi mới tiếp tục hoạt động theo cơ chế trả lương, đóng BHXH mới”, ông Thọ nêu.
Dưới góc độ khác, ông Dương Đức Khanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình nêu thí dụ trường hợp một doanh nghiệp da giày ở địa phương chậm đóng BHXH ba năm. Các cơ quan chức năng phối hợp làm việc với doanh nghiệp chỉ ở mức độ nhất định, nhưng doanh nghiệp đã âm thầm chuyển hết tài sản và bỏ trốn. “Chúng tôi làm đủ trình tự, phối hợp với các ngành nhưng không làm gì được, kể cả Công an vào cuộc cũng không khởi tố được vụ án, cuối cùng hàng nghìn người lao động bị mất quyền lợi. Đây là điều thiệt thòi với người lao động, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi”, ông Khanh chia sẻ.
Vì vậy, theo ông Dương Đức Khanh, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần bổ sung một khoản vào Điều 19, đó là người sử dụng lao động, cơ quan BHXH có trách nhiệm công khai thông tin của người lao động và cơ quan đóng BHXH để người lao động được theo dõi. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 21 - là yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận thông tin đóng BHXH, hằng tháng cung cấp thông tin công khai để mọi người kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đã chấp hành đóng nộp hay chưa.