Xóa bỏ hủ tục

Có những gia đình, người mất trước và người mất sau chỉ cách nhau vài tháng. Phải cạy quan tài cũ, bỏ xác mới vào, hình ảnh ấy thật ám ảnh, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của mọi người nghiêm trọng. Hủ tục này đã được xóa bỏ với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trình diễn cồng chiêng đưa tiễn tại khu nhà mồ. Ảnh: HÙNG LINH
Trình diễn cồng chiêng đưa tiễn tại khu nhà mồ. Ảnh: HÙNG LINH

Dai dẳng gần nửa thế kỷ

Người Jrai có tục chôn chung. Đây là một hủ tục của đồng bào, cùng một cỗ quan tài, người trong gia đình, dòng họ khi có người chết chôn sau sẽ phải cạy nắp quan tài, đặt chồng lên xác của người chôn trước...

Khu nhà mồ thôn Quý Tân nằm giữa khu dân cư và Trường tiểu học Lê Hồng Phong thuộc xã Ia Trôk, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã tồn tại từ năm 1973. Thôn có 29 hộ dân, có tục lệ một ngôi mộ được dùng để chôn cho nhiều người. Nếu là quan hệ cha - con đẻ thì giữa các xác sẽ không có khoảng cách, nếu là người thân trong gia đình dòng họ thì thi thể người chết sẽ được ngăn cách bởi một tấm chiếu hay tấm phên đan bằng tre, nứa, lồ ô. Người Jrai quan niệm “sống ở chung một nhà, chết ở chung một mộ” nên tục chôn chung vẫn tồn tại rất nhiều năm. Hủ tục này đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và nguồn nước khu vực chung quanh khu dân cư. 

Mỗi khi người dân tổ chức chôn cất hay ăn nhà mả, học sinh phải nghỉ học một vài ngày vì âm thanh cồng chiêng, tiếng khóc gọi người thân, tiếng nói chuyện... của những người tham gia buổi lễ. Hiện tượng này đã gây ô nhiễm không gian sống của người dân và nơi dạy - học của thầy trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Cùng với đó là những thôn, làng lân cận, các công trình công cộng. Tuy nhiên, đây là hủ tục lâu đời nên không dễ thay đổi nhận thức của bà con trong một sớm một chiều. 

“Mưa dầm thấm lâu”

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con Jrai, thay vì dùng biện pháp cưỡng chế, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã đã kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân dần từ bỏ hủ tục chôn chung cũng như bỏ khu nhà mồ này. Nhưng việc tuyên truyền vận động ấy không hề đơn giản. Ông Nguyễn Hùng Linh,  Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ia Pa cho biết: “Khu nhà mồ này làng lập từ trước, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong xây dựng sau nên việc vận động dân làng bỏ khu nhà mồ, dời vị trí đến chỗ mới đã vấp phải phản ứng từ phía người dân. Song với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, không ngại vất vả cán bộ, đảng viên của cấp ủy, chính quyền và hội viên mặt trận, đoàn thể của xã thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện chủ động tổ chức họp dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kiên trì đến từng nhà gặp gỡ, thuyết phục, phân tích làm rõ từng việc nên/không nên, giúp người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương”. 

Kiên trì, bền bỉ tháng ngày, đội ngũ tuyên truyền viên các cấp của Ia Pa đã đạt được một trong những mục tiêu đề ra: Đó là xóa bỏ hủ tục chôn chung trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, cán bộ, công chức xã, huyện đã góp tiền góp công xuống thôn cùng bà con mua sắm lễ vật để làm lễ cúng xin bỏ mả theo phong tục địa phương. Chiều ngày hôm trước, bà con rủ nhau tới dọn vệ sinh sạch sẽ các mộ trong khu nhà mồ. Sáng hôm sau các gia đình mang đồ cúng đến làm lễ cúng khấn chia tay người đã khuất. Tại lễ bỏ mả, toàn thể bà con trong thôn đã cam kết đồng thuận xóa bỏ hủ tục chôn chung và từ nay trở về sau sẽ không chôn người chết tại khu nhà mồ này nữa. Các gia đình có người thân chôn cất tại đây nếu thương nhớ người đã khuất thì lập bàn thờ để thờ cúng ở nhà. 

Chủ tịch UBND xã Ia Trôk Ksor Tâm cho biết: “Việc xóa bỏ hủ tục chôn chung đã thể hiện sự thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xã Ia Trok đang từng bước phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Chính quyền xã đã khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc vận động người dân xóa bỏ hủ tục, nỗ lực xây dựng đời sống mới”.