Xe ô-tô chở quá tải trọng “lộng hành”

Gần đây, tình trạng xe ô-tô quá tải trọng đi vào đường cấm, giờ cấm trên các tuyến đường vùng ven và ra vào cửa ngõ TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục diễn ra. Điều đáng nói, khi lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm, một số lái xe, nhà xe còn chống đối bằng cách bỏ xe không chịu hợp tác, cố thủ trong xe, thậm chí có những lời lẽ xúc phạm, thách thức…

Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh xử phạt xe container chở quá tải trọng tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố.
Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh xử phạt xe container chở quá tải trọng tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố.

Phổ biến vi phạm tải trọng

Ghi nhận trên các tuyến đường “nóng” về hành vi xe ô-tô chở quá tải trọng cho phép như: Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống (quận 2); Cộng Hòa (quận 12); tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt là cửa ngõ phía tây thành phố hướng từ huyện Bến Lức (Long An) về huyện Bình Chánh và quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), cửa ngõ đông bắc đoạn qua quận 9 và Thủ Đức, cửa ngõ phía nam trên đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, huyện Nhà Bè), hình ảnh xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc chở container, chở cuộn thép tròn, hay xe ben, xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng quá tải chạy thường xuyên, nhất là vào khung giờ cấm hay đêm khuya và rạng sáng.

Thường xuyên chứng kiến cảnh xe ben chở đất đá và vật liệu xây dựng chạy rầm rập vào đêm khuya trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn vòng xoay Phú Hữu (quận 9), anh Lê Văn Phú (ngụ đường Gò Cát, quận 9) cho biết, cứ vào đêm khuya, lại thấy tấp nập xe ben chở quá tải, phóng bạt mạng khiến người đi đường kinh hãi. Thêm vào đó, nhiều xe chở container ra vào các cảng Phú Hữu, Cát Lái chạy kín trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh cũng gây mất an toàn giao thông. Tương tự, tại đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát (quận 7), sau hơn một giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi ghi nhận hàng chục xe tải ben cơi nới thùng nghênh ngang phóng vun vút theo hướng từ quận 4 về quận 7, huyện Nhà Bè và chiều ngược lại. Hầu hết các xe này đều chở đầy phế thải, vật liệu xây dựng bấm còi inh ỏi, giành đường và chạy rất ẩu, khiến người đi đường không khỏi lo lắng...

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh, khi lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra và xử lý các trường hợp xe chở quá tải tại các tuyến đường vùng ven và cửa ngõ thành phố, đã phát hiện rất nhiều phương tiện chở hàng quá tải ở mức rất cao so quy định (trung bình hơn 20% so tải trọng cho phép, thậm chí có những xe chở quá tải từ 100 đến 150% so tải trọng quy định). Theo số liệu của PC08 Công an TP Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, PC08 đã xử lý gần 650 trường hợp xe ô-tô chở quá tải trọng.

Còn theo thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng thanh tra phát hiện, xử lý hơn 900 phương tiện giao thông đường bộ chở hàng hóa quá tải, quá khổ. Đặc biệt, tại các tuyến đường vùng ven trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi, trong hơn một tháng qua, kể từ khi triển khai Kế hoạch chuyên đề số 162/KHPH/Đ1-Đ7 về việc kiểm tra tải trọng phương tiện, lực lượng thanh tra đã phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm.

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, tình trạng xe ô-tô chở quá tải trọng không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết người. Việc xe quá tải lộng hành còn khiến hạ tầng giao thông nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng. Rất nhiều tuyến đường luôn trong tình trạng “nắng bụi, mưa lầy” do hằng ngày phải oằn mình gánh chịu hàng trăm lượt xe ben, xe chở quá tải chạy qua.

Xe ô-tô chở quá tải trọng “lộng hành” ảnh 1

Xe ô-tô chở quá tải trọng làm hỏng một số đoạn đường ra vào Cảng Cát Lái, quận 2.

Cần kiên quyết xử lý

Để ngăn chặn tình trạng xe ô-tô chở quá tải trọng, theo ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, cần ngăn chặn từ “gốc”, tức là từ điểm bốc xếp hàng hóa như ở các cảng sông, cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp... Song song đó, các cơ quan như cảng vụ cần làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về chất, xếp hàng hóa lên phương tiện giao thông đường bộ. Tuyệt đối không cho xuất bến, rời cảng khi xe chở quá tải, quá khổ. Đồng thời, khi kiểm tra tại nơi xuất phát sẽ dễ dàng áp dụng các công cụ, phương tiện về kỹ thuật như camera để hỗ trợ kiểm tra tải trọng xe. Về lâu dài, có thể trang bị hệ thống cân điện tử tự động ngay tại cổng ra vào các địa điểm trên và áp dụng chế tài xử phạt nguội đối với hành vi vi phạm. Về phía Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố sẽ phối hợp và giám sát các thành viên trong việc chấp hành các quy định kinh doanh vận tải hàng hóa, đặc biệt là việc chấp hành chở hàng đúng tải trọng. Nếu phát hiện có tình trạng chở hàng quá tải, dồn hàng ở một số khu vực sẽ báo cho lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý. Với những doanh nghiệp là hội viên, nếu vi phạm quy định, ngoài việc bị cơ quan chức năng xử lý, Hiệp hội cũng sẽ có biện pháp xử lý và chấn chỉnh.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế, số lượng phương tiện vi phạm chở quá tải, quá khổ còn cao hơn nhiều lần bởi còn có cả lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố tham gia xử lý những trường hợp vi phạm lỗi này. Khó khăn lớn nhất trong công tác xử lý các trường hợp xe chở quá tải trọng là một số nhà xe và lái xe gây nhiều cản trở cho lực lượng chức năng. Đơn cử, khi lực lượng thanh tra phát hiện và xử lý, một số lái xe cố thủ trong xe, hoặc bỏ xe tại hiện trường, thậm chí có những lời nói thóa mạ, thách thức lực lượng chức năng.

Hiện thành phố lắp đặt nhiều trạm cân thứ cấp trên các tuyến đường cửa ngõ thành phố, đường dẫn ra, vào cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất... Tại đây, khi các phương tiện đi qua, hệ thống phần mềm kiểm soát tải trọng sẽ ghi, lưu giữ lại các chỉ số (tải trọng, số xe, loại xe…) và truyền về trung tâm giám sát để chuyển đến trạm, chốt kiểm tra tiếp theo để dừng xe, cân lại và xử lý. Cách làm này mất nhiều thời gian, đòi hỏi lực lượng chức năng phải lập chốt, bố trí cán bộ làm việc liên tục, trong khi lực lượng thanh tra mỏng quân số, lại quán xuyến nhiều chức năng.

Để công tác xử lý xe ô-tô chở quá tải trọng hiệu quả, Thanh tra Sở GTVT đã kiến nghị UBND thành phố và Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ bổ sung tính pháp lý về kết quả cân kiểm tra xe quá tải của hệ thống cân tự động. Coi đó là cơ sở pháp lý và sẽ phạt nguội lái xe, chủ doanh nghiệp vi phạm, thay vì phải lập chốt dừng xe, cân lại như hiện nay. Mặt khác, nếu lực lượng chức năng được phép phạt nguội lỗi chở quá tải, chủ doanh nghiệp và lái xe cũng sẽ ý thức hơn, không ngang nhiên vi phạm, bởi chở quá tải bất cứ lúc nào cũng bị hệ thống cân tự động ghi lại. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về chất, xếp hàng hóa lên phương tiện tham gia giao thông. Để ngăn chặn từ gốc, cơ quan chức năng tuyệt đối không cho xuất bến, rời cảng khi xe chở quá tải, quá khổ. “Cần ngăn chặn xe ô-tô chở quá tải trọng ngay tại nơi xuất phát hàng hóa như: cảng sông, cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp… mới có thể ngăn chặn từ gốc”, ông Khánh nhấn mạnh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp thực hiện mở đợt cao điểm trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải trọng cho phép. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền; giao lực lượng chức năng mở đợt ra quân cao điểm xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa có sử dụng xe vi phạm về kích thước thùng hàng và chở quá tải trọng quy định; tăng cường giám sát công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, dự án, nhà thầu thi công, chủ xe và lái xe trên địa bàn trong việc thực hiện cam kết không xếp hàng hóa quá tải trọng; không chở hàng quá tải trọng; không sử dụng phương tiện cơi nới kích thước thùng hàng; không tiếp nhận hàng hóa, vật tư từ xe ô-tô chở quá tải trọng quy định. Tiếp tục duy trì các đội kiểm tra cơ động, tập trung bố trí lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương để kiểm soát tải trọng xe tại khu vực gần nơi xuất phát nguồn hàng và nơi tiếp nhận hàng hóa (cảng, kho bãi, khu công nghiệp, nhà máy, khu mỏ, công trường...); kiểm tra đột xuất xe vi phạm tại một số đoạn, tuyến quốc lộ. Tổng hợp danh sách, số xe vi phạm gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị có biện pháp xử lý khi thực hiện việc đăng kiểm định kỳ.