Đau đầu vì “chạy theo quy hoạch”
Người dân vẫn chưa quên câu chuyện cư dân thuộc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải “bốc thăm cho con học mầm non” năm học 2022-2023. Hay thời gian qua, đông đảo người tham gia giao thông bày tỏ sự bức xúc khi hàng trăm xe ô-tô dàn hàng ba, chiếm 1/2 lòng đường Nguyễn Xiển - đoạn chạy qua Khu đô thị (KĐT) Kim Văn - Kim Lũ vì chủ đầu tư không thiết kế bãi đỗ xe ô-tô. Câu chuyện chủ đầu tư xây chung cư “quên” xây bãi đỗ xe xảy ra khắp Hà Nội.
Không những thế, tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã và đang đối mặt với tình trạng tắc đường, ngập úng. Câu chuyện “cứ mưa là tắc”, “cứ mưa là ngập” không còn xa lạ đối với bất cứ ai đang sinh sống, làm việc tại hai đô thị lớn. Với sự phát triển dân số cơ học như thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị nhưng hạ tầng không thể chạy theo kịp thì hệ lụy khiến người dân phải gánh chịu không hề nhỏ. Việc người dân phải “chôn chân” dưới cảnh khói bụi để nhích từng centimet trên đường không khó bắt gặp. Thậm chí, nếu chẳng may xảy ra một sự cố nhỏ về giao thông cũng xảy ra ùn tắc cục bộ thời gian dài. Đây không chỉ là vấn đề “nan giải” đối với các nhà làm quy hoạch, phát triển đô thị mà đòi hỏi cần sớm có lời giải để “cứu” đô thị lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, bình thường một đô thị phải có từ 20-25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10% nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực cũng rất lớn. Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70 nghìn tỷ đồng mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông. Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định.
Phải đáp ứng hạ tầng ngay khi xây khu đô thị
Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đã chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về tình trạng ngập úng, kẹt xe xảy ra rất nhiều tại các thành phố lớn. Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê-tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục việc này, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dâng. Cùng với đó tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...
Tuy nhiên, tất cả đó mới chỉ là đề xuất. Để “guồng máy” đô thị hoạt động trơn tru, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, cần giao ngay cho các địa phương chủ động lên kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch hằng năm trong việc xây dựng. Khi đô thị xây dựng đến đâu phải tính, buộc thành phố hoặc chủ đầu tư phải đáp ứng ngay các cơ sở hạ tầng.
Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả, hay sắp tới tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ khai thác giai đoạn 1 và phân luồng lại nhiều “điểm đen” giao thông. Đặc biệt, Chính phủ đang triển khai di dời nhiều cơ quan bộ, ngành khỏi nội đô cũng là một trong những chủ trương lớn, nhận được sự ủng hộ của người dân. Cùng với đó Đề án chuyển các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô được kỳ vọng tạo nên bước đột phá giải quyết bài toán tắc đường, kẹt xe.