Xây dựng niềm tin trong doanh nghiệp gia đình

Khảo sát mới nhất của doanh nghiệp kiểm toán PwC cho rằng, vấn đề xây dựng niềm tin là quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp gia đình đang nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển. Ảnh: NGUYỄN NAM
Nhiều doanh nghiệp gia đình đang nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển. Ảnh: NGUYỄN NAM

Yếu tố quan trọng để phát triển

Theo báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2023, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt hơn so với cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2021, với 53% số doanh nghiệp có doanh số tăng trưởng. Trong đó, 36% số doanh nghiệp được khảo sát có mức tăng trưởng hai con số. Nhưng các doanh nghiệp gia đình đang có xu hướng đầu điều chỉnh tham vọng tăng trưởng. Ưu tiên chính của các doanh nghiệp này trong hai năm tới là cải thiện năng lực kỹ thuật số và tư duy lại hoạt động kinh doanh - thay đổi/điều chỉnh mô hình kinh doanh.

Báo cáo của PwC cho rằng, trong những thời điểm không chắc chắn, các doanh nghiệp gia đình cần tập trung vào thế mạnh của mình để thích nghi và phát triển. Và trong đó, niềm tin đã và vẫn là một lợi thế cạnh tranh quan trọng khiến các doanh nghiệp gia đình khác biệt với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, khái niệm về cách xây dựng niềm tin trong kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Đối với tất cả mọi người, bao gồm cả khách hàng và nhân viên, các vấn đề như môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) đã trở thành phép thử cho độ tin cậy.

Hiện tại, doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam, tương tự các doanh nghiệp cùng ngành trên toàn cầu và khu vực, đang phải đối mặt với khoảng cách niềm tin. Họ ưu tiên niềm tin từ khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ tin mình vẫn chưa được các bên liên quan này tin tưởng hoàn toàn. Để phát triển và thành công lâu dài, phải thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa các doanh nghiệp gia đình và các nhóm liên quan chính bao gồm: khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và bản thân các thành viên gia đình tham gia điều hành doanh nghiệp.

Xây dựng niềm tin với khách hàng

Niềm tin của khách hàng là điều cần thiết đối với mọi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp gia đình càng xem niềm tin từ khách hàng là điều tối quan trọng. Họ chọn sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%), bên cạnh mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Con số này cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành toàn cầu (77%). Cùng với việc ưu tiên sự hài lòng của khách hàng, doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng. 83% số người được hỏi cho rằng, đạt được lợi nhuận là quan trọng nhưng không nên đánh đổi bằng chi phí của khách hàng.

Hiện tại, hơn 96% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững, mang tính địa phương hoặc có chuỗi cung ứng minh bạch. Điều này là do sự thay đổi mạnh mẽ về nhân khẩu học và sự khác biệt về quan niệm giữa các thế hệ. Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp gia đình Việt Nam xây dựng được niềm tin bằng cách tập trung vào ESG.

Mặc dù lắng nghe khách hàng, nhưng các doanh nghiệp gia đình cần chứng minh rằng, họ đang đáp ứng mong đợi của khách hàng ngoài mức cơ bản ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ bằng cách theo đuổi các vấn đề về ESG và DEI. Các doanh nghiệp gia đình có thể bắt đầu với quy mô nhỏ bằng cách tập trung vào các vấn đề ESG chính liên quan đến ngành và các bên liên quan. Thí dụ: họ có thể chia sẻ cách các doanh nghiệp bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu mà người tiêu dùng quan tâm; cách họ thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội hoặc các hình thức từ thiện truyền thống, điều mà 72% số doanh nghiệp gia đình được khảo sát cho biết họ đang thực hiện.

Xây dựng niềm tin với nhà đầu tư

Sự tin tưởng của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Hiện nay, ưu tiên cao nhất của các nhà đầu tư là đổi mới và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Các ưu tiên chính của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong hai năm tới là cải thiện năng lực kỹ thuật số (58%) và tư duy lại về kinh doanh - thay đổi/điều chỉnh mô hình kinh doanh (50%). Cả hai đều cao hơn nhiều so mức trung bình toàn cầu lần lượt là 44% và 34%.

Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ, hiểu nhu cầu của khách hàng và thu hút, giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, họ thừa nhận ít tập trung vào ESG và đổi mới phương pháp nghiên cứu, phát triển. Sự mất cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và việc đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư (bao gồm cả ESG) có thể ảnh hưởng đến thành công dài hạn.

Xây dựng niềm tin với người lao động

Một doanh nghiệp sẽ không được khách hàng tin tưởng nếu không có sự tin tưởng của nhân viên. Theo nhận định của PwC, các doanh nghiệp tích cực tạo cơ hội cho nhân viên xây dựng kỹ năng sẽ phục hồi thu nhập cao hơn và thể hiện khả năng vượt trội trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

Tương tự, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của sự tin tưởng từ nhân viên. 50% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ hoàn toàn tin tưởng và 39% cho biết tăng cường niềm tin với nhân viên nằm trong 5 ưu tiên hàng đầu của họ trong hai năm tới. Họ đã tích cực thực hiện các bước để xây dựng niềm tin với nhân viên, đặc biệt là thông qua các biện pháp khuyến khích nhân viên và tạo ra văn hóa trách nhiệm.

Hiện đang có một nửa số lao động được hỏi cho biết, điều quan trọng là chủ lao động minh bạch về tác động môi trường của doanh nghiệp và các chỉ số DEI. Tuy nhiên, chỉ có 34% số doanh nghiệp gia đình Việt Nam thường xuyên thông báo về tình hình hoạt động của họ so với các chỉ số phi tài chính như vậy. Vì thế, tạo ra một cơ cấu chịu trách nhiệm, cho phép nhân viên lên tiếng về mối quan tâm của họ là một cách tốt để giúp xây dựng lòng tin.

Xây dựng niềm tin trong nội bộ doanh nghiệp gia đình

Đặc thù của doanh nghiệp gia đình là các thành viên trong gia đình không chỉ làm việc cùng nhau mà còn chia sẻ lịch sử, giá trị và tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này thường được coi là đương nhiên. Hiện, chỉ có 40% số người được hỏi thừa nhận rằng sự tin tưởng giữa một số thành viên trong gia đình là thấp. Kết quả này thấp hơn nhiều so mức trung bình toàn cầu là 63% và mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 54%.

Nếu các thành viên trong gia đình thiếu tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Điều này có thể giải thích tại sao 64% số người được khảo sát chia sẻ rằng, xung đột gia đình trong doanh nghiệp thỉnh thoảng xảy ra, cao hơn nhiều so mức trung bình toàn cầu là 30% và châu Á - Thái Bình Dương 29%.

Mức độ tin cậy giữa các thế hệ đang điều hành và thế hệ kế cận trong các doanh nghiệp gia đình còn thấp. Con số khảo sát cho thấy, 61% thế hệ kế cận cảm thấy khó chứng tỏ mình là người lãnh đạo mới, chủ yếu do hai lý do: sự sẵn sàng rời vị trí của thế hệ hiện tại (42%); và vấn đề khó khám phá thế mạnh, đam mê của bản thân (42%). Sự khác biệt về giá trị và kỳ vọng giữa thế hệ hiện tại và thế hệ tiếp theo có thể khiến doanh nghiệp không thể xây dựng giá trị lâu dài. Nó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.

Các chủ doanh nghiệp cần nhận ra tầm quan trọng của niềm tin trong các doanh nghiệp gia đình và tích cực làm việc để xây dựng cũng như duy trì niềm tin đó, vì đây là yếu tố then chốt cho sự thành công lâu dài. Có thể tăng cường lòng tin thông qua việc quản trị gia đình và giao tiếp minh bạch. Theo đó, có cơ chế cho phép các thành viên trong gia đình thảo luận cởi mở và quản lý các xung đột bằng cách xây dựng cơ cấu quản trị gia đình và phương thức giải quyết xung đột; đồng thời xây dựng sự minh bạch giữa các thành viên trong gia đình.