Xăng, dầu khan nguồn cung

Không chỉ diễn ra ở khu vực phía nam, vài ba ngày gần đây đã có tình trạng một số cửa hàng do doanh nghiệp bán lẻ làm chủ trên địa bàn Hà Nội dừng bán xăng, dầu. Nguyên nhân được chia sẻ là do nguồn cung không đủ để phục vụ cho nhu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Khách xếp hàng trước Cửa hàng xăng dầu Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội).
Khách xếp hàng trước Cửa hàng xăng dầu Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội).

“Treo cò” dừng bán

Qua khảo sát thực tế, PV đã có được phần nào thông tin sự việc. Tại Cửa hàng Xăng dầu Thành Công (số 1 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) của Công ty CP Xăng dầu HFC, nhân viên cho biết, cây xăng phải tạm dừng bán vì hết hàng, xe vẫn nằm ở kho đợi nhập, mà có nhập được cũng phải đợi khung giờ mới được vào trong phố. Hiện mỗi hôm chỉ nhập được 5.000-6.000 lít, bán hết thì thôi.

“Bể chứa có hạn, các cây xăng khác hết hàng không hoạt động, khách đổ dồn về dẫn đến quá tải, càng nhanh hết. Trước chưa khan hàng khách còn thích đổ xăng A95, nhưng giờ đành phải đổ E5 để đi, có còn hơn không. Trước nguồn cung dồi dào, tối nhận hàng bán cả ngày, hết lại nhập. Nhưng nay thì khách hàng dài hàng trăm mét, thậm chí đội mưa xếp hàng, có người đi cả chục cây số mới đổ được xăng”, vị này nói. Do đó, nhân viên đi làm vẫn phải túc trực đợi xe bồn về có xăng, dầu lại tiếp tục phục vụ khách hàng.

Vừa chia sẻ, nữ nhân viên này liên tục nói với ra với khách hàng về tình trạng cửa hàng hết xăng, dầu. Ca trưởng của cửa hàng này cũng cho biết, tại tổng kho doanh nghiệp ký kết mua hết hàng, nên cửa hàng không có hàng mà bán. Trước đây cửa hàng nhập 16.000-18.000 lít/ngày, nay ngày nhập được một khoang của xe (đủ cho một ca), nhập lúc đầu giờ chiều chỉ đủ bán cho đến hết đêm, sáng hôm sau sẽ lại hết hàng. Muốn nhập nhưng không có nguồn cung đành chịu, cây xăng buộc phải “treo cò” đợi hàng.

Cũng liên quan nguồn cung, vị ca trưởng này thẳng thắn, các cửa hàng xăng đại lý cấp 1 của Petrolimex phần lớn vẫn có hàng để bán, còn các doanh nghiệp bán lẻ thì khó mà có hàng (?!).

Trong khi đó, đầu giờ sáng 2/11, ông Hoàng Hồng Đào (Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương, đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hôm qua hết xăng từ sáng, dầu hết từ đêm trước. Đến 12 giờ trưa ngày 1/11 mới có hàng, nhưng vẫn thiếu xăng E5, doanh nghiệp buộc phải đi K130 Quảng Ninh mới có. Tình hình các cây xăng quá khan hàng, thứ nữa việc chiết khấu cho các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ gần như bằng 0, chu kỳ vừa rồi được điều chỉnh có 55 đồng/lít, chi cước vận chuyển cũng hết, nói gì đến việc hoạt động, trả lương cán bộ, công nhân viên… Đến khi giá xăng, dầu tăng, chiết khấu được hưởng 180 đồng/lít sẽ ra bài toán.

“Sáng đóng cửa vì hết xăng, trưa nhập được hai xe, khoảng 30 khối/ngày (20 xăng, 10 dầu), nhưng với lượng cầu lớn như hiện nay thì 20 khối xăng chẳng được bao nhiêu. Đầu mối nên cấp theo tiến độ mới đáp ứng được lịch đăng ký theo ngày, chứ lúc khan hàng như này mà chỉ cấp 60-70% thì không đủ”, vị này thông tin.

Ông Đào dự tính, hôm nay (2/11) hàng bán chắc khoảng đến 4 giờ chiều là hết. Xăng không biết có về kịp không. Tuy nhiên, đến trưa vị này thở dài: “Hôm nay xe bồn đi lấy tận Quảng Ninh nhưng vừa báo về không kịp nhập. Cây mình lại treo biển hết xăng. Còn dầu chắc đến tối cũng hết. Xe nhập cũng chỉ lấy được khoảng 20 khối. Nếu lấy hàng như thế này thì khả năng cách một ngày lại phải dừng bán”.

Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 là đại lý nhượng quyền của Petrolimex, nhưng cũng như một số doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương thời điểm này muốn nhập hàng phải xuống K130 Quảng Ninh, với cả chặng đường dài nên đội chi phí, thời gian.

Tại Tổng kho xăng, dầu Đức Giang của Petrolimex, hàng đoàn xe bồn đang đợi đến lượt để nhập hàng. Một nhân viên ở đây chia sẻ, lý do khan hàng là do từ đầu nguồn, chứ nếu tổng kho còn sẽ cấp theo lịch cho các đơn vị. Đây chỉ là kho trung chuyển, có hàng về là công nhân làm ngày làm đêm nhưng cũng phải qua nhiều khâu kỹ thuật, kiểm tra bảo đảm an toàn, chất lượng mới xuất được.

Khó cả người bán, người mua

Trước đó, theo khảo sát của PV tại Cửa hàng xăng dầu Nam Triệu 03, thuộc hệ thống phân phối của Công ty CP Xăng dầu Hưng Yên (17 - 19 phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) từ đầu giờ sáng 1/11 đã dựng biển “Hết xăng - còn dầu”. Nhân viên cửa hàng cho biết, mới nhận ca sáng nên chưa nắm được thời gian nào nguồn xăng có trở lại, nên cửa hàng tạm thời chỉ phục vụ bán dầu diezel.

Trao đổi ý kiến với phụ trách cửa hàng này qua điện thoại, PV được biết, nguồn xăng tại cửa hàng đã hết từ đêm 31/10. Nguồn xăng, dầu (nhất là xăng) thường xuyên thiếu hụt trong thời gian gần đây, đặt cửa hàng vào tình cảnh nhiều thời điểm phải nghỉ bán hoặc chỉ còn dầu để phục vụ.

“Lượng xăng, dầu thiếu từ đầu mối, nên thời gian gần đây không được cấp phát đầy đủ theo nhu cầu của cửa hàng. Chính vì vậy, khi được đơn vị đầu mối thông báo nguồn hàng về chậm, cửa hàng đều có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý thị trường Hà Nội về tình trạng kể trên. Bất cứ khi nào có hàng nhập về, cửa hàng sẽ liên tục phục vụ người dân”, phụ trách cửa hàng cho biết.

Nhiều cửa hàng trong khu vực cũng lâm vào tình trạng hết xăng hoặc dầu nên lượng người mua đến cửa hàng tăng đột biến, càng rút ngắn khả năng phục vụ của cửa hàng. Bởi với lượng xăng được phân phối theo mức cố định, không thể được đáp ứng theo nhu cầu thường xuyên, liên tục nên càng nhiều người mua thì cửa hàng càng nhanh hết hàng. Dự tính với lượng tiêu dùng như hiện nay, mỗi ngày cửa hàng phải cần khoảng 30-50m3 xăng, dầu mới đáp ứng đủ nhu cầu người mua để hoạt động không bị gián đoạn.

Cửa hàng xăng dầu Tam Đa của Công ty CP Xăng dầu HFC (249 Thụy Khuê) dù vẫn hoạt động bình thường, nhưng lượng người mua xăng rất đông. Cửa hàng này có bốn cây bơm xăng, dầu nhưng thời điểm này chỉ có hai cây bán xăng cho xe máy, một cây bán xăng, dầu cho ô-tô nên người đi xe máy phải xếp hàng 2, hàng 3 chờ đến lượt. Ô-tô phải quay đầu, lùi xe vào mua trong giờ cao điểm buổi sáng, nên có lúc gây ra ùn ứ giao thông mức độ nhẹ trên đoạn đường này.

Tương tự, Cửa hàng xăng dầu Cống Vị cũng thuộc Công ty CP Xăng dầu HFC (114 Đốc Ngữ, Ba Đình), sáng 2/11 vẫn mở cửa bán hàng song chỉ có một nhân viên phục vụ bán xăng cho xe máy, trong khi vẫn còn một luồng khác phục vụ bán xăng cho ô-tô. Lượng người xếp hàng mua xăng, dầu ở đây cũng rất đông.

Rất nhiều người dân khi được hỏi chia sẻ, chưa khi nào mua xăng vất vả như hiện nay, hàng đoàn người và xe phải xếp hàng từ 10-15 phút mới mua được xăng, rất mất thời gian và cảm giác không thể thoải mái, chưa nói xe hết xăng đến cửa hàng lại thông báo tạm ngừng cấp. Một số người chạy xe ôm quanh ở đây cũng cho biết, cửa hàng này thời gian gần đây thường xuyên có tình trạng hết xăng hoặc dầu phải nghỉ bán hàng trong thời gian khá dài. Có hôm cửa hàng nghỉ chờ nhập hàng kéo dài suốt cả buổi chiều.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm: Để bình ổn giá xăng, dầu thì tất cả các phía, đối tượng phải tham gia, chứ không chỉ riêng bộ phận điều hành. Với cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh giá biến động, cần tiếp tục theo dõi sát sao, điều hành thận trọng, linh hoạt và mềm dẻo và phải nắm sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, như chi phí kinh doanh và premium, phải luôn theo dõi sát, chứ đừng để khi có sự cố xảy ra mới thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý thì sẽ dẫn đến hệ lụy.