Các thành viên chủ chốt đồng thuận
Các thành viên chủ chốt của WHO đã chấp thuận gói ngân sách trị giá gần 7 tỷ USD, bao gồm cả việc tăng 20% tỷ lệ phí thành viên bắt buộc. Gói ngân sách này được đề xuất lần đầu tại kỳ họp thường niên của WHA vào năm 2022, khi tất cả các quốc gia thành viên đều nhất trí về một cuộc “đại tu” nguồn tài trợ của WHO, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh sự ủng hộ của các nước, đánh giá đây là một cột mốc quan trọng mang tính lịch sử. Phần lớn ngân sách hoạt động của WHO là do 194 quốc gia thành viên đóng góp. Trong thời gian qua, phần tài trợ từ phí thành viên bắt buộc đã giảm xuống, chưa đến 20% ngân sách, trong khi phần còn lại là khoản đóng góp tự nguyện của các nước. Điều này đã khiến WHO bị hạn chế nguồn lực tài chính trong ứng phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu, điển hình là đại dịch Covid-19 và một số trường hợp khẩn cấp về y tế khác.
Năm ngoái, WHA đã đồng ý tăng tỷ lệ phí thành viên trong ngân sách hoạt động của WHO theo từng giai đoạn, cụ thể ngân sách 2024-2025 sẽ chiếm 20% so ngân sách 2022-2023 và đến ngân sách 2030-2031 đạt tỷ lệ 50%. Về phần mình, WHO đã bắt đầu thực hiện 96 cải cách nhằm hướng tới sự minh bạch hơn về tài chính và tuyển dụng, cũng như đóng vai trò trách nhiệm lớn hơn. Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho biết, đến nay tổ chức này đã hoàn tất 42 cải cách và 54 cải cách còn lại đang được triển khai.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus hoan nghênh thỏa thuận mới. Ảnh: PAHO |
Đàm phán thỏa thuận lịch sử về an ninh y tế toàn cầu
Năm 2023 là năm kỷ niệm 75 năm thành lập WHO. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, kể từ khi WHO ra đời cách đây 75 năm, sức khỏe của con người đã được nâng cao đáng kể, tuổi thọ toàn cầu đã tăng 50%, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 60% và bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ và thậm chí đảo ngược những tiến bộ trong lĩnh vực y tế công cộng, có nguy cơ làm xói mòn những thành tựu to lớn đã đạt được trong những thập kỷ qua và làm thụt lùi các Mục tiêu phát triển bền vững, ông Guterres kêu gọi thế giới hỗ trợ WHO đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất cho tất cả mọi người.
Trong khi đó, người đứng đầu WHO cho biết, các quốc gia thành viên của tổ chức này đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận quốc tế nhằm bảo đảm thế giới được trang bị tốt hơn để ngăn chặn hoặc ứng phó hiệu quả hơn trong trường hợp xảy ra đại dịch khác trong tương lai. Ông Ghebreyesus cho rằng, đó phải là thỏa thuận lịch sử, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận đối với an ninh y tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo ông, hiện quá trình đàm phán thỏa thuận này vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng mục tiêu là đạt được kết quả vào thời điểm diễn ra kỳ họp WHA tiếp theo vào tháng 5/2024 năm sau.
Dự thảo thỏa thuận có nội dung đề nghị các nước giàu nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ thế giới ứng phó các dịch bệnh. Dự thảo nhấn mạnh các quốc gia có tiềm lực và tài nguyên cần gánh vác trách nhiệm ở mức tương xứng trong quá trình chuẩn bị và đối phó với các mối đe dọa y tế toàn cầu. Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra hy vọng các quốc gia sẽ bảo đảm quá trình đàm phán đúng thời hạn và thông qua thỏa thuận nêu trên vào năm 2024.