Theo Tổng Bí thư, “Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân” (Báo Nhân Dân, ngày 22/10/2024).
Chậm đổi mới, hoàn thiện thể chế là kìm hãm phát triển
Với các mục tiêu tổng quát đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao và nhiều mục tiêu cụ thể khác theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội dài, trung hay ngắn hạn đang đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách đối với công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế.
Bởi đối với nền kinh tế đang có những chuyển biến nhanh chóng như ở nước ta hiện nay, các điều kiện kinh tế và xã hội, các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tâm trạng của người dân cùng nhiều biến số khác luôn tác động đến yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế.
Có thể thấy, hiện nay chúng ta đang “thí điểm” thực hiện rất nhiều cơ chế, chính sách, từ tổ chức chính quyền, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, tài chính công, đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia đến nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát “sandbox” đang được nghiên cứu ban hành ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là liên quan đến các cơ chế, chính sách mới trong xây dựng doanh nghiệp đầu đàn với thương hiệu quốc gia, ứng dụng công nghệ tài chính.
Trong phát triển các ngành kinh tế động lực mới như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydrogen xanh theo chiến lược đã được ban hành cũng cần nhiều cơ chế, chính sách “đặc thù” bởi đây là những ngành yêu cầu quy mô đầu tư rất lớn, liên quan đến nhiều ngành kinh tế và có yêu cầu rất cao về nguồn nhân lực có chất lượng.
Trong đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư lớn, thực hiện trên quy mô rộng, thời gian kéo dài, cần thu hồi, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư trên diện tích lớn, ảnh hưởng tới người dân vùng dự án như đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam cũng cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, nhất là đối với yêu cầu để các ngành kinh tế, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim, tự động hóa trong nước được tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ.
Xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Thế giới ngày nay đang đương đầu với những vấn đề toàn cầu như cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt, áp lực chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống còn “zero” vào năm 2050 và nhất là sự thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ đang biến “viễn tưởng” trở thành thực tế hiện hữu với trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) cùng nhiều công nghệ mới khác.
Là thách thức, song bối cảnh này đồng thời mở ra những tiềm năng vô hạn cho ứng dụng công nghệ… Với một nền kinh tế mở và phát triển nhanh như Việt Nam, muốn thúc đẩy phát triển mang tính đột phá cần phải bắt đầu từ chính việc đổi mới, hoàn thiện thể chế.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang là một trong những động lực thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế, xã hội do có cách thức hoạt động dường như mô phỏng trí tuệ của con người, có khả năng giải quyết vấn đề như con người.
Có người đã nói là sau chuyển đổi số sẽ là chuyển đổi AI. Việc ứng dụng rộng rãi AI trong nền kinh tế số, xã hội số đang là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vì thế, thể chế hóa những vấn đề mới thành các quy phạm cụ thể có tính trọng tâm, trọng điểm, đột phá sẽ thật sự tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, quan trọng.
Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ luôn đi trước, vượt ra ngoài các khung khổ pháp luật hiện hành, nhất là trong các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải, di động, y tế, truyền thông,… nên cần phải có quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).
Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua một số luật, nghị quyết, trong đó có quy định về cơ chế thử nghiệm như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thủ đô, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh...
Chính phủ đã cho phép thử nghiệm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money), thí điểm máy bay không người lái và xe tự hành ở Thành phố Hồ Chí Minh,... vừa nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ các rủi ro. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) thì vẫn đang phải chờ đợi nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cần dựa trên việc xác định được lợi ích của các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo được chính thức thử nghiệm trên thị trường và tháo gỡ những khó khăn trong các quy định pháp luật hiện hành theo hướng điều chỉnh để phát huy được đầy đủ các tính mới, sáng tạo của sản phẩm, dịch vụ. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cũng xác định các cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm các sản phẩm khoa học-công nghệ.
Không ngừng đổi mới và hoàn thiện thể chế, “theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống” (Báo Nhân Dân, ngày 31/10/2024) không chỉ là động lực, công cụ quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước, mà còn để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Không có một công thức thành công nào được viết sẵn, nhưng nếu chúng ta nhận thức vấn đề đúng và đầy đủ, chúng ta sẽ làm được. Nhân dân sẽ đồng tình, ủng hộ mãnh liệt đối với những cơ chế, chính sách có tác động tích cực tới nền kinh tế, chất lượng cuộc sống.