Đường đến ‘‘ĐIỂM TRUNG HÒA’’...

NDO - Hướng tới mục tiêu Net Zero hay “điểm trung hòa carbon” vào năm 2050, tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược và là lựa chọn tất yếu để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Cần Giờ sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, dựa trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho môi trường tự nhiên. Ảnh: Suduchi
Cần Giờ sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, dựa trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho môi trường tự nhiên. Ảnh: Suduchi

Vì một mục tiêu chung

Hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP26 đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thực hiện lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, nhằm đạt được cam kết trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đạt mục tiêu vào năm 2050. Đây cũng là mục tiêu được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu) hồi tháng 9/2024 đã trao chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon cho khu du lịch Suối Rao Ecolodge. Không chỉ Suối Rao Ecolodge, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp cũng đang chủ động triển khai giảm phát thải carbon ra môi trường như dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3…

Đề án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đang được triển khai sẽ đưa huyện đảo này trở thành điểm đến Net Zero đầu tiên của tỉnh. Thời gian tới, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xây dựng lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế; phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số; xây dựng lối sống xanh; xây dựng, phát triển hệ thống cảng xanh, thông minh, hiện đại.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ được kỳ vọng là địa phương tiên phong đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2035. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết, huyện đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn như phối hợp Sở Du lịch phát triển dịch vụ theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới mô hình du lịch sinh thái và sinh thái chất lượng cao, truyền thông và nhận thức cộng đồng về chương trình Cần Giờ xanh. Cùng với đó là các phương án xử lý chai nhựa, tái chế nhựa; quy đổi các giải pháp xanh ra tín chỉ carbon; phát triển giao thông xanh, xây dựng mô hình phát triển đô thị sinh thái bền vững, thông minh và phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), chuyển đổi xe dùng xăng sang xe điện thân thiện môi trường. Huyện cũng đề xuất thí điểm điện mặt trời mái nhà cho cả công sở, tư nhân và bãi muối…

Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ xanh, kiểm soát khí thải, góp phần đưa Cần Giờ hoàn thành mục tiêu Net Zero, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất thành phố xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với cá nhân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép sử dụng mái nhà là tài sản công để thí điểm lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của các trụ sở. Thành phố đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 có 50% số tòa nhà công sở và 50% số nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà; đến hết năm 2025 có 100% hệ thống chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.

Là một tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, đến nay, Đồng Nai đã ban hành đề án với mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính bằng 0. Lộ trình này cũng được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Thời gian qua, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển mình theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp. Điển hình như khu công nghiệp Amata thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí toàn cầu; Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường; khu công nghiệp Long Đức chuyển đổi theo mô hình xanh, sinh thái…

Đường đến ‘‘ĐIỂM TRUNG HÒA’’... ảnh 1

Du khách đạp xe dưới tán rừng Mã Đà, Đồng Nai.Ảnh: Cào Cào Adventures

Đồng Nai xác định, thời gian tới, các khu công nghiệp hiện hữu sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chuyển đổi từ khu công nghiệp hỗn hợp sang mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái. Riêng với các khu công nghiệp thành lập mới phải đáp ứng ba tiêu chí: Xanh, phát thải thấp, Net Zero.

Thúc đẩy chuyển dịch xanh từ cải cách thể chế

Đề cập những giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015, nhiều quốc gia đã đưa ra lộ trình giảm phát thải, áp dụng các công nghệ carbon thấp, đồng thời thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi không chỉ gặp khó khăn về tài chính và công nghệ mà còn cần đến sự thay đổi lớn về mặt thể chế và chính sách. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp giữa Chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu hướng đến Net Zero, TS Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu quan điểm rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh về các nguồn năng lượng như năng lượng hóa thạch, thủy điện, gió... giúp Việt Nam có thể làm chủ và bảo đảm yếu tố về an ninh năng lượng. Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần nghiên cứu thêm về nguồn năng lượng hạt nhân vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Cùng đó, công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo còn đòi hỏi sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời trên mái nhà, điện gió và năng lượng sinh khối. Điều đó không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước, của các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi người dân thể hiện trách nhiệm về tiết kiệm năng lượng, sống thân thiện với môi trường cũng là đóng góp chung vào xu thế không thể đảo ngược. Nhờ thế, không ai đứng bên ngoài hay bị bỏ lại phía sau hành trình chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Các nguồn năng lượng tái tạo thực chất hiện nay là chưa bền vững, chúng ta chuyển đổi nhưng vẫn phải bảo đảm nguồn năng lượng nền và nguồn cung bền vững.