Những thương hiệu Việt mang tầm vóc thế giới
Tối 15/8/2023, sau tiếng chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, VinFast - một thương hiệu tới từ Việt Nam chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Cuối năm 2023, một dấu mốc khác được xác lập khi FPT tuyên bố cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài, biến công ty này thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu “tỷ đô” nhờ xuất khẩu phần mềm.
Ở diện rộng hơn, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024” (Global 500 của Brand Finance). Trong khi đó, Vinamilk cũng vượt qua nhiều tên tuổi lớn để trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt Top 5 Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu, đồng thời duy trì thứ hạng 6 trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và Top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa. Trong hành trình ghi danh thương hiệu Việt trên trường quốc tế còn phải kể đến một loạt cái tên khác như cà-phê Trung Nguyên, gạo ST25 hay Lộc Trời…
Theo Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%.
Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024”. Ảnh: MAI NGỌC |
Thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên xanh
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều cánh cửa ra thị trường thế giới được mở qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển ngày càng quan tâm đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp, Việt Nam cũng cần có được chiến lược thích ứng.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), trước hết các doanh nghiệp cần chủ động theo đuổi phát triển xanh và bền vững, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về môi trường đặc biệt theo các AFTAs thế hệ mới.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã khẳng định vai trò tiên phong hướng tới kỷ nguyên xanh. Đầu tiên có thể kể đến là xe điện VinFast khi tiên phong giảm khí thải carbon và giảm ô nhiễm từ giao thông. VinFast không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện bền vững mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp giao thông xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trên những cánh đồng, trong nhiều năm qua, TH True Milk đã xây dựng hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy trình chăn nuôi bò sữa không sử dụng kháng sinh và hormone tăng trưởng, áp dụng công nghệ xử lý chất thải để tạo ra phân bón hữu cơ, giúp bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo từ các hệ thống điện mặt trời để giảm năng lượng tiêu thụ từ nguồn điện thông thường…
Chúng ta cần hiểu rõ rằng thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Động lực lớn từ chính sách và truyền thông
Một tín hiệu đáng mừng cho Thương hiệu Việt là trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công thương và nhiều cơ quan, ban, ngành khác đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp “hướng tới kỷ nguyên xanh”. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp luôn bám sát chủ trương đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao và đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0”. Sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi tham gia vào các FTA thế hệ mới.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh ba nhóm giải pháp để phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030.
Thứ nhất, phối hợp các bộ, ngành địa phương thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc thiết kế, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, để tiếp cận với các giá trị cốt lõi của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Thứ hai, cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các xu hướng sản xuất, kinh doanh và đầu tư mới của thế giới như xu hướng xanh, phát triển bền vững và các rào cản phi thuế khác..., từ đó có kế hoạch, chiến lược đáp ứng và các quy định pháp luật quốc tế để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội.
Thứ ba, bên cạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được tiến hành ở trong nước và quốc tế, đặc biệt tập trung vào truyền thông số.
Bên cạnh động lực về chính sách, các doanh nghiệp Việt cũng được tiếp thêm “sức mạnh và niềm tin” khi ngày 22/10/2024, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Công thương khai trương Chuyên trang Thương hiệu quốc gia tại địa chỉ: http://thuonghieuquocgia.nhandan.vn. Lần đầu Việt Nam có một chuyên trang cung cấp hệ thống dữ liệu toàn diện, chính thống, được trình bày hiện đại, trực quan về các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chuyên trang góp phần quảng bá, phát triển các thương hiệu Việt, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, chuyên trang sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, quảng bá hình ảnh và nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam khi trở thành cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia với cộng đồng trong và ngoài nước; đồng thời giúp lan tỏa các giá trị cốt lõi của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.