Tại Việt Nam, AI đã có những bước phát triển đột phá trong những năm gần đây. Đặc biệt là làn sóng AI tạo sinh (Generative AI) diễn ra mạnh mẽ, với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Cần môi trường thuận lợi
Nhờ các tiến bộ trong công nghệ học máy (machine learning), học sâu (deep learning), AI, đặc biệt là Generative AI đạt được các bước tiến trong nhiều lĩnh vực như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thu hút quan tâm của các tập đoàn công nghệ và giới đầu tư.
Tại Việt Nam, AI trở thành một trong các xu hướng ứng dụng của các startup gần đây. Chỉ riêng tại Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2024 (QVIC 2024), 70% tổng số số giải pháp tham dự ở nhiều lĩnh vực khác nhau như AI, internet vạn vật (IoT), tự động hóa, công nghệ y tế, đô thị thông minh... đều ứng dụng AI. Hơn nửa số dự án trong top 10 của cuộc thi này ứng dụng AI.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Qualcomm Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo QVIC 2024 cho biết, các startup tận dụng AI nhằm tối ưu hóa giải pháp và tăng cạnh tranh cho sản phẩm. Điều đó cho thấy, các công ty khởi nghiệp Việt đã bắt kịp xu thế và sẵn sàng cho đấu trường quốc tế.
Các startup ứng dụng AI không phải để “bắt trend” mà nhận ra nhu cầu ứng dụng của thị trường và hấp dẫn nhà đầu tư. Cứ 10 doanh nghiệp Việt được hỏi thì có tám nói đã dùng AI trong 12 tháng qua, cao hơn trung bình khu vực là 69%. Phần lớn AI sử dụng vào một số thời điểm nhất định nhưng dự báo tăng trong 12 tháng tới, khi các doanh nghiệp tin tưởng hơn.
Hiện có nhiều startup công nghệ ra đời gần đây chọn AI để đáp ứng nhu cầu thị trường và thu hút đầu tư. Ra đời từ 2018, Vbee chuyên phát triển giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và trí tuệ nhân tạo đàm thoại. Trợ lý ảo AI của họ có khả năng nghe, hiểu và phản hồi bằng tiếng nói (callbot) hoặc văn bản (chatbot). Startup này hiện có hơn 2 triệu người dùng cuối, hơn 300 doanh nghiệp sử dụng sản phẩm. Tại chung kết QVIC 2024, Vbee là quán quân, nhận được giải thưởng 100.000 USD.
Theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức), tính đến tháng 5/2024, OKXE, Mfast, Teky, Infoplus và Jobhopin là 5 startup AI nhận được nhiều vốn mạo hiểm nhất của Việt Nam, với quy mô gây quỹ 8-15 triệu USD mỗi dự án.
Thống kê cho biết, nếu như năm 2021, Việt Nam ghi nhận chỉ có khoảng 60 startup hoạt động trong lĩnh vực AI, thì đến năm 2024 con số này đã tăng lên 278, tức gấp khoảng 4,5 lần chỉ sau ba năm. Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp AI và hệ sinh thái startup AI của Việt Nam có thuận lợi về nhân lực và chính sách.
Tuy nhiên, để thật sự phát triển, cần có những chính sách tạo điều kiện thiết thực hơn nữa. Thí dụ như hỗ trợ startup thuê văn phòng với giá rẻ, tạo điều kiện cho startup tiếp cận hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tiên tiến với mức giá phải chăng. Tỷ lệ thất bại của startup AI trên toàn thế giới là rất lớn. Startup không thể cam kết gì cả nhưng đam mê khởi nghiệp của họ cần được ủng hộ. Bởi khi thành công, những thành quả mang lại cho xã hội chắc chắn sẽ nhiều hơn đầu tư ban đầu cho họ…
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, AI đang phát triển vượt bậc và nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian vừa qua, nhiều cơ quan và doanh nghiệp đã chứng kiến các thành tựu của công nghệ này. Rất nhiều các doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm kiếm được giải pháp áp dụng AI vào cuộc sống cũng như cơ hội có thể kết nối với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực phát triển hành lang pháp lý cho AI. Sự xuất hiện của AI đã mở ra nhiều thách thức về quản lý, như vấn đề đạo đức AI. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu AI đã được ban hành, trong đó đã mở ra nhiều hướng phát triển. “Triển khai định hướng này, Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn phát triển AI có trách nhiệm, khuyến nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham khảo trong quá trình nghiên cứu AI”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.
Nội địa hóa công nghệ AI
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 1/2021 đặt mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam và đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN. Để thực hiện được mục tiêu đó, vấn đề làm chủ và “nội địa hóa” công nghệ AI có vai trò quyết định.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud (đơn vị chủ lực phát triển AI của FPT) nhận định, Việt Nam có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới. Bởi, AI không phải nền công nghiệp chỉ đứng một mình. Giống như ngành công nghệ thông tin, AI sẽ thay đổi các ngành khác. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh bằng hai thứ: nhân công giá thấp và năng suất lao động.
Tuy nhiên, trong tương lai, chỉ hai điều đó là không đủ, chúng ta còn cần phải cạnh tranh bằng con người, tự động hóa, công nghệ... để tạo ra năng suất cao hơn nữa. “Chúng ta cần năng lực AI nội tại dành riêng cho Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh trong cùng một quốc gia mà còn bảo vệ sự cạnh tranh, khác biệt cho Việt Nam”, ông Lê Hồng Việt nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, đầu tiên là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng. Hai là phải tập hợp được dữ liệu từ Chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình. Ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn.
Bốn là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu. Cuối cùng là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được AI đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.
Theo GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam cần chú trọng phát triển ba trụ cột AI, đó là con người, tài nguyên và công cụ. Theo đó, cần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, khuyến khích, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển AI tạo sinh.
Khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ và chủ động kiểm soát nội dung, bảo đảm an toàn dữ liệu quốc gia. Cuối cùng, xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển các giải pháp tích hợp AI tạo sinh dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt”, GS Vũ Hà Văn nhận định.
Nền tảng dữ liệu và nghiên cứu thị trường Markets And Data (Singapore) cho biết, thị trường AI Việt Nam có quy mô 470 triệu USD năm 2022, dự kiến đạt 1,52 tỷ USD năm 2030, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn này là 15,8%. |