Ước mong làm lớn
Những tháng cuối năm 2024, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã có mặt tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu. Chuyến đi này là nhằm tham khảo quá trình sản xuất ray cho đường sắt tốc độ cao.
Cùng với đó, nhà sản xuất thép Việt Nam duy nhất làm được thép công nghệ cao này đã bắt đầu đàm phán về hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới...
Cách đây vài tháng, vào tháng 9/2024, trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ông Long đã nhắc đi nhắc lại rằng “sẽ làm được, nếu Chính phủ giao việc” khi nhận được câu hỏi của lãnh đạo Chính phủ về khả năng cung cấp đường ray cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.
Không chỉ Hòa Phát đang đón bắt cơ hội từ dự án mang tính biểu tượng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vingroup, Thaco, Vietjet, Tập đoàn TH, Tập đoàn Geleximco,... - những doanh nghiệp có mặt và đưa ra nhiều cam kết “sẽ làm” trong cuộc làm việc trên cũng đã xúc tiến nhiều kế hoạch lớn. Điều đáng nói, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa cũng không vắng mặt trong các mối liên kết kinh doanh mới...
Mong muốn “được tham gia giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia”, muốn nhận các sứ mệnh lớn... không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp tư nhân lớn.
Các đại diện từ khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Hàng loạt kiến nghị cải cách cơ chế, chính sách, để doanh nghiệp nhà nước cải thiện hệ thống quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực và tâm lực vào các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.
“Chúng tôi từng là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt Nam, rồi từng “ngã ngựa” khi là thí dụ cho sự thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng mọi sự đã thay đổi sau nỗ lực tái cơ cấu. Hiện tại, chúng tôi mang khát vọng đưa ngành hàng hải Việt Nam lên tầm cao mới, tham vọng cạnh tranh với Singapore để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa. Việc này là khả thi”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ.
Cùng với đó, kế hoạch “di dời tổ đại bàng” về Việt Nam, chứ không chỉ “làm tổ cho đại bàng đến” cũng được VIMC thúc đẩy khi “chọn chơi” và “chơi được” với các hãng tàu lớn nhất thế giới để mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái cảng biển-vận tải biển-logistics của VIMC, trong đó có siêu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...
Khi khu vực doanh nghiệp dân tộc dần lớn, sức chống chịu mạnh hơn nghĩa là nền kinh tế có thêm điều kiện quan trọng gia tăng sự phồn vinh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt hơn 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).
Điểm tựa niềm tin
Các cuộc làm việc liên tục vào cuối năm 2024 với nhiều doanh nghiệp của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gần như xoay quanh một chủ đề, đó là doanh nghiệp đang chuẩn bị những gì cho năm 2025 và những năm tới.
“Những bất định của thị trường thế giới năm tới có thể vẫn là thách thức lớn trong các kế hoạch kinh doanh, nhưng điều tôi cảm nhận được là sự chủ động và sẵn sàng ứng phó của các doanh nghiệp Việt Nam”, TS Cung chia sẻ.
Ông kể, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh. Có doanh nghiệp đã dành từ tám đến chín năm nghiên cứu chế biến phụ phẩm nông sản, và bắt đầu thu được thành công đầu tiên sau những khoản tiền đầu tư rất lớn...
Không phải vô cớ mà ông Cung nhắc đến các vấn đề trên. Trong các cuộc khảo sát gần đây của ông và cộng sự về sự lớn lên của các doanh nghiệp tư nhân, các yếu tố tạo nên thành công đã được ghi nhận ở một số điểm chung.
Một là, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được ghi nhận thông qua việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Hai là, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp toàn cầu.
Ba là, có hoạt động đầu tư bài bản vào nghiên cứu và phát triển.
Và trên hết, đó là niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, môi trường thể chế, chính sách. Đây chính là điều kiện đủ tạo nên sự tự tin, thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục đổ nguồn lực, tâm sức vào các kế hoạch đầu tư-kinh doanh.
“Chưa bao giờ doanh nghiệp quan tâm vào quyết tâm cải cách thể chế sâu sát của Đảng, Nhà nước như hiện tại. Họ nhắc tới tinh thần “tháo gỡ điểm nghẽn thể chế”, với nguyên tắc “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” của Tổng Bí thư Tô Lâm với sự chờ đợi rất lớn. Các điểm nghẽn, những vướng mắc pháp lý của các dự án hiện hữu được khơi thông thì dòng vốn mới, dự án mới mới chảy tiếp”, TS Cung lý giải.
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế được vun đắp từ các dòng chảy liên tục của vốn, của các dự án đầu tư mới.
Khơi thông các nguồn lực
Ở đây, đang có hai niềm tin được nhắc tới. Một là niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và hai là niềm tin công việc của giới công chức.
“Các mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 đầy thách thức, nhưng là mục tiêu phải hoàn thành để làm nền tảng cho kỷ nguyên mới đầy khát vọng của đất nước. Lúc này, tâm trạng của môi trường kinh doanh, môi trường chính sách rất cần sự thay đổi mang tính bước ngoặt, từ đó tạo sự nhảy vọt về tăng trưởng”, TS Cung nhận định.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam tiếp tục nhắc đến yêu cầu “tam thông” cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay, với tư cách là đòi hỏi sống còn, vì ách tắc chỗ nào, nền kinh tế “phát bệnh” chỗ đó.
Một là, “thông suốt”, với nội hàm là thông các nguồn lực trong nền kinh tế, từ đầu vào, bao gồm nguyên vật liệu, vốn liếng tiền bạc, sức lao động và công nghệ, dữ liệu... và đầu ra, gồm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… Hai là, “thông thoáng, hàm ý cơ chế, chính sách, quy định, quy trình, thủ tục,… phải thông suốt, liên tục và liền mạch. Ba là, “thông minh” của bộ máy điều hành, quản trị quốc gia, sự thông minh, sức sáng tạo của các cá nhân vận hành bộ máy đó.
“Bộ máy này cần một cơ chế thúc đẩy tinh thần chủ động, sáng tạo và sự can đảm, thay vì một hệ thống đề cao tính thụ động, triệt tiêu tinh thần dám nghĩ dám làm và tự chịu trách nhiệm của đội ngũ công chức”, TS Thiên nhấn mạnh.
Như vậy, đây chính là dư địa cho công cuộc cải cách thể chế mà Đảng và Nhà nước đang nhắm tới nhưng cũng là nền tảng để khu vực doanh nghiệp vững tin đầu tư lớn, tham gia thực hiện các dự án mang tầm vóc của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.