Đổi mới công tác xây dựng pháp luật

Đổi mới công tác xây dựng pháp luật: Thời điểm đã chín muồi

Trong bài viết “Chống lãng phí” được công bố hồi tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những hạn chế trong hoạt động xây dựng pháp luật chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí; đồng thời yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Điều đó đồng nghĩa, cách thức xây dựng pháp luật sẽ phải thay đổi, ngay từ khâu chuẩn bị.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ĐĂNG ANH
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: ĐĂNG ANH

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ngay từ những ngày đầu thành lập nước, đến nay, hệ thống pháp luật đã điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặc dù vậy, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta thời gian qua cho thấy còn những hạn chế và bất cập.

Khối lượng công việc kỷ lục

Nhìn thẳng vào những “điểm nghẽn” về thể chế, cũng trong bài viết đã dẫn, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, chưa tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu…

Được nhìn nhận đây là thời điểm chín muồi trong đổi mới xây dựng pháp luật, ngay tại kỳ họp thứ 8, kỳ họp thường kỳ cuối năm 2024 của Quốc hội khóa XV, tinh thần đổi mới này được quán triệt trong chương trình nghị sự. Hơn 30 nhóm nội dung thuộc công tác xây dựng pháp luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và “bấm nút” thông qua.

Đây là một khối lượng công việc kỷ lục, không chỉ lớn nhất trong nhiệm kỳ này mà cả trong lịch sử gần 80 năm hoạt động của Quốc hội. Thậm chí, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI (2001-2007) - giai đoạn đẩy mạnh công tác lập pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì số lượng văn bản được xem xét, thông qua và cho ý kiến tại mỗi kỳ họp Quốc hội cũng không lớn đến như vậy.

Trở lại buổi chiều ngày 23/11, vừa kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẩn trương vào họp tổ đại biểu Quốc hội và phát biểu rất kỹ, rất sâu về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, không thể bỏ qua cơ hội sửa luật này, vì “thực tiễn vận động rất nhanh, sau một thời gian vận hành theo luật mà thấy cần phải thay đổi, thì sửa đổi luật là điều rất cần thiết, rất tự nhiên”.

Đó chỉ là một thí dụ cho thấy quyết tâm đổi mới công tác xây dựng pháp luật của người đứng đầu Chính phủ hướng đến hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Song để giải quyết khối lượng công việc rất lớn của kỳ họp thứ 8 này, cách thức làm luật phải rất khác ngay từ khâu chuẩn bị. Về cơ bản, tất cả các dự thảo luật, nghị quyết cần được xem xét, cho ý kiến hay bấm nút đều đã được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra hoặc tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội; trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được xác định đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách từ rất sớm để thảo luận về một số dự án luật sẽ được thông qua; đặc biệt là đã thảo luận về các dự án luật được trình theo quy trình hai kỳ họp và cả những dự thảo luật được trình theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Không ngại thay đổi

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội về định hướng đổi mới trong xây dựng pháp luật.

Đó là nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, chất lượng trong công tác lập pháp; xác định rõ những nội dung nào được quy định trong luật, nội dung nào được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành; không luật hóa những nội dung thuộc phạm vi quy định của nghị định, thông tư…

“Điều này bảo đảm các nội dung của dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành đúng thẩm quyền của Quốc hội đã được Hiến pháp và luật định; thể hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; bảo đảm tính ổn định lâu dài của các đạo luật, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong việc sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc phạm vi quy định của văn bản dưới luật”, ông Hoàng Minh Hiếu khẳng định.

Thể hiện đúng tinh thần “Quốc hội đồng hành với Chính phủ”, kịp thời khơi thông những “điểm nghẽn”, một điểm đặc biệt tại kỳ họp này là kỹ thuật lập pháp “dùng một luật sửa nhiều luật” được áp dụng đối với một số dự án luật rất quan trọng về kinh tế, tài chính - ngân sách.

Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.

Phương pháp này có ưu điểm là giúp tăng cường hiệu quả lập pháp qua việc giải quyết nhiều vấn đề chính sách cùng một lúc, giúp tiết kiệm thời gian. Đồng thời, cũng giúp cơ quan lập pháp có thể xem xét bao quát các chính sách có liên quan đến nhau để từ đó giải quyết các vấn đề chính sách được toàn diện hơn, giúp bảo đảm tính nhất quán và thống nhất giữa các quy định pháp luật có liên quan, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.

Tuy nhiên, hạn chế của việc sử dụng kỹ thuật lập pháp này là sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá tác động; có thể dẫn đến thiếu sót khi xem xét các sửa đổi, bổ sung; làm giảm tính chuyên sâu trong quá trình thảo luận, dẫn đến việc bỏ sót các vấn đề quan trọng hoặc quy định không đủ rõ ràng.

Dùng một luật sửa nhiều luật cũng có thể dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu văn bản, ảnh hưởng đến việc người dân tiếp cận và áp dụng pháp luật. Chính vì thế, công tác rà soát, theo dõi triển khai thi hành pháp luật trên thực tế để kịp thời điều chỉnh là vô cùng quan trọng.

Cũng cần nói rõ rằng, bảo đảm tính ổn định của pháp luật được hiểu là bảo đảm tính ổn định trong chủ thuyết của đạo luật đó, chứ không hẳn là ở các quy định mang tính cụ thể. Chẳng hạn, đối với Luật Doanh nghiệp, chủ thuyết là bảo đảm quyền tự do kinh doanh, còn những quy định cụ thể để đạt được mục tiêu này thì có thể được điều chỉnh thường xuyên, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đối với hệ thống pháp luật nói chung, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng, nguyên tắc bất di bất dịch là không chỉ nhằm mục tiêu quản lý mà còn phải mở đường, tạo không gian phát triển kinh tế-xã hội; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí thực thi, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả ba bên: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở nhiều nước phát triển, việc sửa đổi pháp luật được tiến hành thường xuyên. Thậm chí, có những đạo luật ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc được sửa đổi hằng năm.