“Kênh dẫn hướng” dòng vốn gián tiếp về Việt Nam

Trong bối cảnh năm 2025 được dự báo sẽ mang đến nhiều thách thức cho kinh tế toàn cầu, dòng vốn quốc tế được dự báo tiếp tục đổ vào các quốc gia có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và có tiềm năng phát triển các ngành công nghệ cao…
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ sự phát triển của công nghệ tài chính, các quỹ có nhiều cơ hội nhắm đến các nhà đầu tư trẻ có xu hướng thích trải nghiệm online. Ảnh: Minh Dũng
Nhờ sự phát triển của công nghệ tài chính, các quỹ có nhiều cơ hội nhắm đến các nhà đầu tư trẻ có xu hướng thích trải nghiệm online. Ảnh: Minh Dũng

Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những điểm đến của dòng vốn toàn cầu.

Trên thế giới, xu hướng đầu tư qua quỹ ngày càng được quan tâm bởi rủi ro thấp và lợi nhuận thường cao hơn mức bình quân toàn thị trường. Ở Việt Nam, dù mới trong giai đoạn đầu, quy mô ngành quỹ cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, được kỳ vọng đạt 10% GDP vào năm 2030.

Dư địa phát triển còn nhiều...

Đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2003, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) ra đời với nhiều kỳ vọng lớn.

Sau hơn 21 năm, đến nay số lượng quỹ hoạt động chuyên nghiệp của Việt Nam đã tăng hơn con số 100. Gần đây, dù số lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ tại Việt Nam tăng nhanh, nhưng vẫn ở mức thấp nếu so tổng số lượng tài khoản chứng khoán. Cũng mới chỉ có hơn 300 nghìn trong số tám triệu tài khoản chứng khoán tham gia đầu tư qua quỹ.

Thực tế, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tiềm năng phía trước còn rất lớn. Ở góc độ người trong cuộc, ông Hồ Nhật Quang, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt đánh giá, ngành quản lý quỹ còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Ngoài ra, do số lượng tài khoản nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng chỉ quỹ thấp hơn nhiều so tài khoản giao dịch chứng khoán cũng như so với tỷ lệ dân số Việt Nam nên ngành quản lý quỹ còn nhiều dư địa để bắt kịp mặt bằng chung trong khu vực. Như Thái Lan, một thị trường chứng khoán có quy mô vốn hóa gấp đôi thị trường Việt Nam, nhưng quy mô ngành quỹ lại gấp hàng chục lần.

Mặt khác, trước đây, các quỹ chủ yếu tiếp cận đối tượng là nhà đầu tư có tài sản lớn, tập trung ở các thành phố đầu tàu về kinh tế như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng hiện tại, nhờ sự phát triển của công nghệ tài chính, đã xuất hiện nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau, đáng chú ý là nhóm các nhà đầu tư trẻ, có khối lượng tiền rảnh rỗi vừa phải, thời gian ít và có tâm lý thích trải nghiệm online. Bắt kịp được xu hướng này, các quỹ đều mở rộng tệp khách hàng, bởi tiềm năng trong tương lai là rất lớn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định, với mục tiêu năm 2045, Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, quy mô GDP ước đạt 1.300-1.400 tỷ USD, quy mô ngành quỹ có thể đạt 130-140 tỷ USD, trở thành thành phần quan trọng tham gia thị trường chứng khoán.

Không chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước, nhiều công ty quản lý quỹ đã tích cực thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, từng bước tạo ra một kênh dẫn vốn gián tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế minh chứng, ngành quỹ còn nhiều dư địa, nhưng cần có cơ chế khuyến khích để phát triển trong giai đoạn tới.

Đồng hành cùng sự phát triển chung của đất nước

Mặc dù kinh tế và chính trị toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, song Việt Nam vẫn duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng ổn định nhất thế giới. Chính phủ đã đặt mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt với các dự án quốc gia và công trình trọng điểm.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, GDP vẫn giữ mức tăng trưởng ước đạt 7% và lợi nhuận doanh nghiệp có khả năng tăng từ 15-18%, cho thấy nền tảng phát triển dài hạn của đất nước vẫn rất vững mạnh.

Nhớ lại quá trình hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Don Lam, Tổng Giám đốc, cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, VinaCapital luôn theo sát các định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, điều chỉnh chiến lược đầu tư nhằm tối ưu hóa các lợi ích lâu dài.

“Những nỗ lực cải cách của Nhà nước, cùng hệ thống chính sách đồng bộ, linh hoạt và nhạy bén, sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế và giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn cơ hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Don Lam nhấn mạnh.

VinaCapital tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ trong lĩnh vực logistics, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng và bán lẻ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giải quyết các vấn đề tồn đọng. Với nông nghiệp, lĩnh vực xương sống của nền kinh tế Việt Nam, VinaCapital đầu tư vào công nghệ nền tảng nhằm cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao đời sống của nông dân, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Ông Don Lam tin tưởng, với vai trò quan trọng trong các diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia và các quỹ lớn đầu tư vào các lĩnh vực này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hạ tầng và thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Không bỏ lỡ xu hướng ấy, ngày 28/10/2024, Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản 150 triệu USD, trọng điểm đầu tư cũng là các startup công nghệ có tính đột phá cao, nhằm thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần kiến tạo cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

Khi chia sẻ về định hướng đầu tư, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Điều hành Quỹ VinVentures cho biết, hướng dòng đầu tư vào các startup công nghệ là chiến lược nhất quán của Vingroup trong quá trình dịch chuyển thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. VinVentures sẵn sàng hỗ trợ các startup kết nối với những đối tác lớn trên thị trường và làm “bệ phóng” cho các startup tiềm năng trong tương lai.

Sau hơn 20 năm, tại Việt Nam đã có 110 quỹ trong nước hoạt động chuyên nghiệp, hiệu suất đầu tư cao, bao gồm 58 quỹ mở, 15 quỹ hoán đổi danh mục (ETF), 37 quỹ thành viên và quỹ đóng, với tổng giá trị tài sản ròng đến cuối tháng 6/2024 ước đạt 74.000 tỷ đồng.