Học nhờ, học tạm
Tại tỉnh Cà Mau, do đặc thù sông nước, địa phương này đang đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp và giáo viên (GV) mầm non. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, trẻ mầm non phải học tạm ở trường tiểu học… Theo thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, năm học 2020 - 2021, đội ngũ GV mầm non còn thiếu, đặc biệt ở các huyện vùng sâu, vùng xa là 167 người. Phòng học cho bậc học này còn thiếu, phải học nhờ phòng của tiểu học (hơn 180 phòng). Do mạng lưới trường mầm non còn phân tán, nhiều trường có diện tích hẹp, phòng học chưa bảo đảm theo quy định cả về quy cách và diện tích sử dụng.
Trước đó, UBND tỉnh có chủ trương quy hoạch trường lớp, xóa điểm lẻ nhưng trên thực tế, nhiều trường, điểm lẻ ở vùng sâu không thể xóa. Bởi không có điểm trường lẻ, HS gặp khó khi đến trường vì đường xa, đò ngang cách trở nên nguy cơ bỏ học gia tăng. Do vậy, nhiều xã trong tỉnh vẫn chưa tiếp nhận hết số trẻ trong độ tuổi vào học mầm non. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của cấp học, do từ trước đến nay chưa có chương trình, đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho GDMN. Chính sách thu hút GV về dạy ở các huyện vùng sâu, vùng xa cũng chưa có. Tỷ lệ GV mầm non của tỉnh trong biên chế nhà nước chỉ đạt 85,8%; tỷ lệ GV hợp đồng lao động chiếm 14,2%.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, do địa hình, hệ thống trường học còn phân tán, dàn trải, manh mún thiếu tập trung, tình trạng thiếu phòng học ở cấp mầm non vẫn còn. Sĩ số bình quân HS/lớp toàn tỉnh chưa đồng đều, tại các trường trên địa bàn TP Cà Mau và trung tâm các huyện còn cao so với quy định. Như huyện Thới Bình, do trường học phân tán, tình trạng thiếu phòng học cấp học mầm non chậm khắc phục. Đến nay, huyện còn 24 điểm mầm non đặt tại trường tiểu học. Việc xóa điểm trường lẻ chưa thực hiện triệt để do xa điểm chính. Còn thiếu phòng học cho các lớp mầm non ở các xã có địa bàn khó khăn nên vẫn còn tình trạng HS phải học lớp ghép…
Thiếu 45.242 giáo viên
Ngày 9-2-2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.
10 năm qua, Thứ trưởng GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá, việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm của GDMN thấp; mạng lưới trường lớp manh mún, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất thiếu thốn; tỷ lệ phòng học nhờ, học mượn rất cao (nhiều cơ sở GDMN phải mượn nhờ nhà văn hóa của thôn, xã, nhà dân, kho hợp tác xã; nhiều nơi phòng học là vách tre, mái lá); giáo viên thiếu trầm trọng, chế độ chính sách cho giáo viên chưa bảo đảm. Đặc biệt là việc huy động trẻ đến trường rất khó khăn, nhất là trẻ em ở vùng núi cao, vùng sông nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là chưa quan tâm quy hoạch trường, lớp, quỹ đất tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. Vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt là tình trạng thiếu GV vẫn chưa được khắc phục, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, tỷ lệ GV/lớp rất thấp.
Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 GV trong các cơ sở GDMN công lập (đây là số lượng còn thiếu năm học 2019 - 2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non). Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với GV đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Trong hơn 10 năm qua, tổng số trường mầm non đã tăng khoảng hơn 2.600 trường so với năm 2010. Cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường: cả nước hiện có 201.605 phòng học, (số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng). Toàn ngành hiện có gần 365.000 GV mầm non. Tỷ lệ GV/lớp đạt 1,82 GV/lớp. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là hơn 5,3 triệu trẻ em (10 năm qua, tăng 1,5 triệu trẻ), tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt 99,96%. “Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,96% là con số ấn tượng.
Thứ trưởng GD&ĐT cũng cho biết, tới đây chúng ta sẽ tiến hành phổ cập trẻ mầm non dưới 5 tuổi, sẽ có nhiều khó khăn vì trẻ mầm non ở vùng khó khăn, các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Sẽ phải có thêm các đề án để phổ cập GDMN trẻ bốn tuổi (chưa tiến hành được phổ cập GDMN dưới ba tuổi).