Vụ trục lợi từ quỹ cứu trợ đại dịch Covid-19

Giới chức Mỹ vừa truy tố 44 người ở Puerto Rico liên quan vụ án trục lợi các quỹ cứu trợ đại dịch Covid-19 lên tới 1,2 triệu USD. Bộ Tư pháp nước này cũng đang khẩn trương điều tra hàng trăm cá nhân khác trong vụ việc.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở tại Mỹ bị điều tra vì trục lợi bất chính các khoản vay. Ảnh: ABC NEWS
Một cơ sở tại Mỹ bị điều tra vì trục lợi bất chính các khoản vay. Ảnh: ABC NEWS

Theo AP, cơ quan điều tra cáo buộc những nghi phạm này đã nộp ít nhất 52 đơn giả mạo xin vay vốn trợ cấp từ quỹ cứu trợ và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sau khi giải ngân các khoản vay, những đối tượng này đã “sử dụng để tiêu xài và chi tiêu cá nhân, trong đó có nhiều khoản mua sắm xa xỉ phẩm”. Cơ quan an ninh cáo buộc nhóm người này lừa đảo, chiếm đoạt những nguồn lực đáng ra dành để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh bị thua lỗ do dịch bệnh.

Điều tra ban đầu cho thấy, các nghi phạm đã nộp đơn trót lọt và “qua mắt” cơ quan rà soát hồ sơ bằng cách làm giả tài liệu thuế, bảng lương, chứng minh thư cũng như hồ sơ ngân hàng. Ông Johana Ayers, Giám đốc Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) của Mỹ cho biết, các nghi phạm là công dân Mỹ và trong đó có huấn luyện viên và cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, phần lớn sống ở Puerto Rico; một nghi phạm là nhân viên ngân hàng. Cảnh sát đã thu giữ gần 850 nghìn USD tiền mặt, tịch thu một số phương tiện và tài sản liên quan vụ việc.

Theo GAO, những khoản vay bị kẻ xấu trục lợi này nằm trong gói cứu trợ có tổng trị giá hơn 1.000 tỷ USD với mục tiêu hỗ trợ hơn 10 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ gặp khó khăn hoặc thua lỗ trong thời gian đại dịch. Năm 2020, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) của Mỹ đã gấp rút triển khai chương trình cứu trợ nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ của nước này. Các chương trình cứu trợ bao gồm Chương trình bảo đảm tiền lương (PPP) và Khoản vay khắc phục tổn thất kinh tế do Covid-19 (Covid-19 EIDL).

Từ năm ngoái tới nay, giới chức Mỹ đã phát hiện hàng loạt trường hợp trục lợi quỹ cứu trợ hoặc các nhóm lừa đảo, thậm chí mở kênh tư vấn giả mạo hồ sơ để nhận khoản vay trợ cấp. Tháng 4 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã công bố một loạt cáo buộc hình sự đối với các cá nhân làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan hành động phạm pháp này. Trong đó có 18 nhân viên chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả bác sĩ và y tá, đã bị cáo buộc chiếm dụng trái phép tổng cộng 490 triệu USD từ các chương trình y tế và hỗ trợ Covid-19 của chính quyền liên bang.

Ông Kenneth A.Polite Jr, chuyên gia tư pháp của DOJ cho biết: “Chúng tôi đang triển khai phối hợp các hoạt động thực thi pháp luật lớn nhất từ ​​trước đến nay nhắm vào những âm mưu gian lận dịch vụ chăm sóc y tế và khai thác, sử dụng trái phép các khoản trợ cấp trong đại dịch Covid-19 ở Mỹ”. Hôm 12/5 vừa qua, một tòa án tại Mỹ đã xử vụ việc trục lợi lên tới 4,2 triệu USD trong quỹ cứu trợ Covid-19. Đó là trường hợp của Valesky Barosy với năm tội danh lừa đảo trong đường dây trục lợi, ba tội danh rửa tiền và một tội danh giả mạo danh tính nghiêm trọng. Theo bản cáo trạng, Barosy đã nộp đơn xin vay với các giấy tờ giả mạo cho chính mình và thay cho đồng phạm, nhờ đó thu về hơn 4,2 triệu USD từ khoản vay PPP. Y đã lợi dụng lỗ hổng luật pháp và điều chỉnh chi phí, lợi nhuận ròng, bảng lương trong năm trước của mình cũng như những người nộp đơn khác nhằm giúp họ được giải ngân số tiền sai mục đích.

Hiện SBA đã điều chỉnh chính sách quản lý rủi ro và bổ sung các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó gian lận, trục lợi tiền trợ cấp. Tuy vậy, báo cáo của GAO cũng chỉ ra rằng, các chương trình cứu trợ đại dịch dễ bị gian lận với khoản tiền rất lớn, một phần vì các cơ quan triển khai trong thời gian gấp rút, “thiếu các biện pháp kiểm soát thích hợp để ngăn chặn, phát hiện và thu hồi các khoản thanh toán gian lận, không phù hợp khác”. Chỉ riêng đối với hai chương trình EIDL và PPP, các chuyên gia tài chính ước tính rằng chính phủ Mỹ có thể thiệt hại do “thanh toán không phù hợp” với tổng số tiền lên tới 36,7 tỷ USD vào năm 2022.