Vụ lừa đảo chấn động thế giới

Theo Daily Mail, cảnh sát Anh vừa triệt phá một mạng lưới tội phạm quốc tế chuyên lừa đảo qua điện thoại. Với số nạn nhân lên tới gần 200.000 người và số tiền đánh cắp vào khoảng 50 triệu bảng Anh, đây được xem là một trong những vụ lừa đảo bằng điện thoại quy mô lớn nhất lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Anh bắt giữ Teejai Fletcher tại London. Ảnh: THE TIMES
Cảnh sát Anh bắt giữ Teejai Fletcher tại London. Ảnh: THE TIMES

Ngày 24/11 vừa qua, cảnh sát Anh cho biết, lực lượng chức năng nước này phối hợp nhiều quốc gia vừa triệt phá mạng lưới tội phạm quốc tế nhằm vào hàng trăm nghìn nạn nhân, khi tiến hành hàng chục triệu cuộc gọi lừa đảo. Vụ triệt phá nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay kéo dài 18 tháng do cảnh sát Anh phối hợp với Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và nhiều cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới. Sĩ quan Mark Rowley thuộc Cảnh sát vùng đô thị London (Anh) cho biết, cuộc điều tra thể hiện “một cách tiếp cận khác” nhằm vào tội phạm lợi dụng công nghệ. “Đây là khởi đầu của việc nhằm vào tội phạm có tổ chức tiến hành lừa đảo mà chúng ta chứng kiến trên khắp thế giới”, ông Rowley nhấn mạnh.

Cùng việc đánh sập các máy chủ ở Hà Lan và Ukraine, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 100 nghi phạm tại Hà Lan, Australia, Pháp và Ireland, trong đó có một kẻ điều hành từ London (Anh). Teejai Fletcher, 34 tuổi, được xem là điều hành mạng lưới, bị buộc tội lừa đảo và sẽ phải hầu tòa vào ngày 6/12 tới. Theo tiết lộ của cơ quan điều tra, bằng một tin nhắn mã hóa trên mạng xã hội Telegram, Fletcher đã quảng cáo “iSpoof.cc” là trang web cung cấp công cụ để người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi bằng số giả mạo từ các ngân hàng, cơ quan thuế và các cơ quan chính thức khác... nhằm mục đích lừa đảo. 59.000 kẻ lừa đảo chấp nhận trả từ 150 đến 5.000 bảng Anh để đăng ký tham gia iSpoof.cc và sử dụng công nghệ “hack” này, giúp Fletcher và đồng phạm kiếm được khoảng 3,2 triệu bảng. Kẻ lừa đảo có thể đăng ký và thanh toán phí sử dụng web bằng bitcoin, hoàn toàn bí mật mà không lo bị lộ danh tính với quản trị viên.

Helen Rance, điều tra viên của Sở Cảnh sát London cho biết, những kẻ lừa đảo ban đầu sẽ mua thông tin ngân hàng của nạn nhân trên các trang web đen để dễ tạo lòng tin. Sau đó, chúng truy cập vào các công cụ lấy từ iSpoof.cc để cài đặt âm thanh tổng đài tự động, rồi thực hiện hàng loạt cuộc điện thoại giả mạo là nhân viên ngân hàng nhằm tiến hành lừa đảo. Những kẻ này gọi cho các nạn nhân thông báo tài khoản ngân hàng của họ không được xác minh hoặc có dấu hiệu đáng ngờ, yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số được gửi về điện thoại để chứng minh chủ thẻ. Thực chất, đây là mã thực hiện giao dịch thanh toán và nạn nhân sẽ mất tiền ngay sau đó.

Lực lượng chức năng Anh cho biết, trong tám tháng đầu năm nay, kẻ gian đã thực hiện hơn 10 triệu cuộc gọi lừa đảo trên toàn thế giới. Thậm chí, có thời điểm, cứ mỗi phút có tới 20 người bị lừa. 40% các cuộc gọi tại Mỹ và hơn 30% cuộc gọi tại Anh nhắm vào khoảng 200.000 người. Nhiều người dân Australia và các nước châu Âu khác cũng trở thành “con mồi”. Trung bình, mỗi nạn nhân đã bị tổn thất 10.000 bảng. Thậm chí, một người đã bị đánh cắp tới ba triệu bảng khi đồng ý sử dụng “dịch vụ đặc biệt” ở ngân hàng giả mạo. Trong vài tuần gần đây, sở cảnh sát đã phát hiện và bắt được hơn 100 vụ lừa đảo thông qua trang web này. Tính đến thời điểm hiện tại, các đối tượng đã lừa đảo được 48 triệu bảng, nhưng con số thực tế được cho là lớn hơn rất nhiều.

Trong diễn biến mới nhất, cảnh sát phát hiện một hệ thống máy chủ của trang web được đặt tại Hà Lan, một máy ở Ukraine và vụ việc còn nhiều tình tiết đáng ngờ khác. Do đó, dù đã bắt được ông trùm phía sau vụ lừa đảo rúng động này, song cuộc điều tra vẫn tiếp tục diễn ra. Sở cảnh sát đã gỡ bỏ trang web để ngăn chặn hành vi lừa đảo trong tương lai. Lực lượng chức năng cũng phát thông cáo truy tìm bằng được vị trí của những tội phạm còn sót lại, dù chúng có ở bất kỳ đâu.