Vụ gian lận trợ cấp Covid-19 ở Mỹ

Chính phủ Mỹ đã phát hiện nhiều sai phạm và hành vi lừa đảo, gian lận lên tới hàng tỷ USD từ quỹ cứu trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Giới chức nước này đang nhanh chóng vào cuộc để xác định cách thức lừa đảo, song công chúng cũng đặt ra câu hỏi làm cách nào để thu hồi khoản tài chính thất thoát khổng lồ. 

Ông Kevin Chambers (phải) phụ trách điều tra các vụ gian lận trợ cấp. Ảnh: NYT
Ông Kevin Chambers (phải) phụ trách điều tra các vụ gian lận trợ cấp. Ảnh: NYT

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây bổ nhiệm ông Kevin Chambers-Trợ lý Thứ trưởng Tư pháp, làm người phụ trách chính cuộc điều tra những sai phạm, lừa đảo liên quan nguồn quỹ cứu trợ Covid-19 được phát hiện ở nhiều bang của nước này. Hiện, chưa có thống kê đầy đủ quy mô và mức độ thiệt hại, song giới chức ước tính chỉ tính riêng trong khuôn khổ Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP) - một phần trong gói cứu trợ, đã bị thất thoát tới hơn 80 tỷ USD. 

PPP nằm trong gói cứu trợ Covid-19 do Chính phủ Mỹ công bố năm 2020. Theo đó, gói cứu trợ cung cấp khoản vay không kỳ hạn cho các doanh nghiệp nhỏ chi trả lương nhân viên phải nghỉ việc vì đại dịch. Đến nay, đã có 800 tỷ USD được giải ngân cho chương trình này, nhưng số tiền gian lận ước tính chiếm tới 10%. Đây là vụ việc sai phạm có quy mô lớn nhất và rõ ràng nhất từng được phát hiện. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường là làm giả giấy tờ, khai khống số nhân viên trong công ty để nộp đơn xin vay tiền chi trả lương. Các chuyên gia cho biết, trong thời gian đầu triển khai gói cứu trợ, giới chức hầu như không xác minh đơn đăng ký của doanh nghiệp do thời gian quá gấp gáp. 

Từ năm 2021, nhiều bang ở Mỹ đã phát hiện các vụ việc trục lợi đặc biệt nghiêm trọng từ gói PPP. Một số sai phạm điển hình được phát giác, như tại bang Florida, giới chức phát hiện khoản vay trị giá 15.000 USD trong gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn lại được dùng để trả tiền thuê súng. Tại bang Georgia, một người đàn ông đã chi 57.000 USD tiền nhận từ gói cứu trợ để mua thẻ trò chơi Pokémon, số tiền này sau đó đã được thu hồi lại. Ngoài ra, nhà chức trách đã truy vết theo nhiều vụ việc khác chi tiền từ gói cứu trợ cho hóa đơn thanh toán mua xe sang Ferrari, Lamborghini hoặc đồ trang sức xa xỉ…

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ nhiều lần tuyên bố làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân đã trục lợi từ gói cứu trợ đại dịch, qua đó trả lại công bằng cho những đối tượng dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ, đồng thời minh bạch các khoản thu-chi ngân sách. Theo thông báo của Bộ Tư pháp, ông Kevin Chambers sẽ chỉ đạo và giám sát việc điều tra và truy tố các cáo buộc gian lận. trong đó tập trung vào các doanh nghiệp lớn có dấu hiệu vi phạm, kể cả các cá nhân nước ngoài lạm dụng tiền cứu trợ và đưa ra xử lý những đối tượng liên quan. 

Điều tra ban đầu cũng cho thấy một số nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế và trong nước đã đánh cắp dữ liệu và danh tính người lao động, rồi sử dụng thông tin đó để nộp đơn xin hưởng lợi. “Đội điều tra của chúng tôi sẽ tăng cường cho giai đoạn hai của nhiệm vụ hiện có. Các điều tra viên đã thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó lấy căn cứ xác định những kẻ chủ mưu vụ việc cũng như hỗ trợ công tố viên và luật sư đưa các vụ án này ra xét xử”, ông Chambers cho biết. 

Theo The New York Times, tính từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu, giới chức Mỹ đã chi khoảng 5.000 tỷ USD cho các gói cứu trợ với mục đích kích thích nền kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch. Đối tượng của gói cứu trợ bao gồm các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, trường học, những người dễ bị tổn thương… Số tiền này được dùng để trả cho chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, cứu trợ người lao động thất nghiệp, hỗ trợ trả lương cho nhân viên khi phải đóng cửa…, song đã bị thất thoát lên tới hàng tỷ USD. Việc thu hồi các khoản tài chính sai phạm trả lại ngân sách đang đặt ra thách thức không nhỏ cho giới chức nước này.