Vụ án tham nhũng chấn động Ecuador

Cựu Phó Tổng thống Ecuador, ông Jorge Glas (trong ảnh) cùng 12 người khác vừa bị truy tố trong vụ án tham nhũng liên quan Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. “Bão tham nhũng” gây chao đảo “xứ sở Samba” đang tiếp tục gây sóng gió ở nhiều nước trong khu vực.

Vụ án tham nhũng chấn động Ecuador

Cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas bị điều tra tham nhũng từ tháng 6 vừa qua, sau khi cảnh sát thu giữ được nhiều bằng chứng trong chiến dịch lục soát văn phòng công ty và nhà riêng của những người liên quan. Qua hơn 10 cuộc đột kích, các nhà chức trách đã tìm thấy tiền mặt, vũ khí, đồ trang sức… và các tài liệu liên quan vụ án tham nhũng của Tập đoàn Odebrecht. Đồng thời, người bác họ của ông Jorge Glas tên là Ricardo Rivera cũng đã bị bắt giữ.

Theo cơ quan công tố, ông Glas thông qua người bác họ Ricardo Rivera đã nhận số tiền hối lộ lên tới 13,5 triệu USD từ đại diện Tập đoàn Odebrecht ở Ecuador để đổi lấy việc chính phủ trao các hợp đồng cho công ty này. Báo cáo của Văn phòng Công tố Ecuador cho biết: “Những người bị giam giữ là một phần của mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan vụ án hối lộ của Odebrecht”.

Ông Glas là Phó Tổng thống Ecuador từ năm 2013 và vừa được bổ nhiệm lại vị trí này sau cuộc bầu cử hồi đầu năm nay. Ông là một trong những người bạn thời thơ ấu của cựu Tổng thống Rafael Correa. Song, do liên quan cáo buộc tham nhũng nên Tổng thống L.Moreno đã bãi nhiệm chức vụ phó tổng thống của ông Jorge Glas từ tháng 8 vừa qua.

Trước đó, cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Odebrecht tại Ecuador là Jose Conceicao đã khai nhận ông Glas nhận tiền hối lộ trong giai đoạn 2012-2016, từ khi ông còn giữ chức Bộ trưởng Các lĩnh vực chiến lược. Ông này cũng cho biết cựu Phó Tổng thống Ecuador là người đứng đầu một mạng lưới tham nhũng trong ngành xây dựng và năng lượng.

Theo lời khai của ông Conceicao, Tập đoàn Odebrecht đã chi tổng cộng khoảng 33,5 triệu USD tiền hối lộ các quan chức Chính phủ Ecuador từ năm 2007 để đổi lấy việc nhận được hợp đồng xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng ở nước này. Các công tố viên cũng tiết lộ, hơn một phần ba số tiền đó đã được đưa cho ông Glas thông qua người bác Ricardo Rivera. Việc bắt giữ người họ hàng của ông Glas mới chỉ là mở đầu cho những động thái quyết liệt hơn nhằm vào quan chức này.

Đầu tháng 10 vừa qua, Viện Kiểm sát Ecuador đã ra lệnh tạm giam ông Jorge Glas. Theo đó, cơ quan chức năng cũng nêu rõ việc tạm giam ông Glas nhằm thu thập những bằng chứng mới liên quan vụ việc của Tập đoàn Odebrecht. Ngoài cáo buộc nhận hối lộ, cựu Phó Tổng thống và 12 người khác, bao gồm người bác họ, cũng đối mặt cáo buộc làm giàu bất chính và đã bị đóng băng tài khoản để phục vụ điều tra.

Việc xét xử vụ án liên quan Tập đoàn Odebrecht dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng, và mức án dành cho ông Jorge Glas có thể từ ba đến 5 năm tù giam. Tuy nhiên, hiện ông Glas vẫn bác bỏ mọi cáo buộc. Ông còn tố cáo ngược lại rằng các cựu lãnh đạo của Odebrecht đã “cài bẫy” ông, do ông từng yêu cầu tập đoàn này phải rút khỏi Ecuador năm 2008 vì những bất đồng liên quan kế hoạch cải tạo một nhà máy thủy điện. Ông từng phát biểu với báo giới nước này rằng cần tin vào công lý và yêu cầu chờ đợi kết quả điều tra.

“Đại án tham nhũng” ở Odebrecht lộ sáng bắt nguồn từ vụ bê bối tham nhũng, hối lộ khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras), gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có trên chính trường quốc gia Nam Mỹ này vài năm gần đây. Cùng chung một “kịch bản” như Odebrecht, Petrobras thừa nhận đã “lót tay” hàng trăm triệu USD cho nhiều nhân vật tại hơn 12 quốc gia để nhận được ưu ái của giới chức đối với các hợp đồng xây dựng.

Vụ án đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao “ngã ngựa”, bao gồm cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và nhiều nhà lãnh đạo ở Mexico, Peru, Panama, Ecuador…, những nơi đặt trụ sở công ty con của Odebrecht. Cho đến nay, cựu Phó Tổng thống Jorge Glas là quan chức cấp cao nhất của Ecuador dính líu vụ bê bối này. Tuy vậy, quá trình điều tra dự kiến sẽ còn tiết lộ thêm nhiều thông tin mới có thể gây thêm nhiều sóng gió trên chính trường nước này.