Việt phục cổ trên hành trình trở lại

Nghiêm túc tìm tòi, tích lũy kiến thức, tập trung phỏng dựng, phục dựng tinh hoa văn hóa của cha ông thông qua hình thức cổ phục, cổ phong, mục tiêu mà các nhóm bạn trẻ tâm huyết đặt ra không gì khác ngoài việc lan tỏa những giá trị truyền thống đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Thành viên nhóm Chiêm Thành Vương Các đang giới thiệu về những vật dụng truyền thống của người Chăm.
Thành viên nhóm Chiêm Thành Vương Các đang giới thiệu về những vật dụng truyền thống của người Chăm.

Khi áo xưa hiện trong phố mới

Khoác lên mình chiếc áo nhung y được thiết kế lại trên hiện vật có sẵn với hoa văn rồng bay tinh tế, đầu đội khăn lượt đen, Nguyễn Quốc Trí, thành viên nhóm Hoa niên-Năm tháng tươi đẹp háo hức sẻ chia về trang phục cổ của người Việt, lĩnh vực thú vị mà nhóm đang theo đuổi suốt hai năm nay. 

Cắt may theo kiểu cổ phục Việt được nhiều người biết đến-ngũ thân tay chẽn-và không yêu cầu phụ kiện quá phức tạp nhưng áo nhung y vẫn bảo đảm yếu tố sang trọng, rực rỡ trên nền văn hóa truyền thống. Mà đâu riêng gì nhung y, nhật bình, khánh bình, áo tấc… qua bàn tay của những người trẻ giờ trở nên gần gũi, sáng tạo hơn rất nhiều. Với hơn 21.200 lượt theo dõi trên trang fanpage chỉ sau hai năm “chào sân”, Hoa niên-Năm tháng tươi đẹp đang là cái tên được nhiều bạn trẻ TP Hồ Chí Minh nhắc đến mỗi khi nghĩ đến cổ phục Việt. Không may đo đơn thuần, các thành viên Hoa niên dành phần lớn thời gian nghiên cứu về trang phục cổ thông qua các mẫu hiện vật và các dạng thức hoa văn của Việt Nam, chủ yếu là thời Nguyễn. 

Tìm đến các bảo tàng và liên tục cập nhật những nguồn tư liệu quý, lắng nghe đóng góp của nhiều người là cách Hoa niên làm dày thêm vốn văn hóa Việt phục. Các dòng áo do nhóm lên ý tưởng, cắt may, hoàn thiện hiện chủ yếu xoay quanh hai dạng là dựa trên hiện vật có sẵn và thiết kế phóng sinh trên bố cục hoa văn truyền thống. “Nhóm luôn tìm cách làm sao tạo ra được chất riêng của Việt Nam và đưa nó lên trang phục. Tùy thiết kế mà có sự điều chỉnh cho phù hợp nhưng phải bảo đảm yếu tố truyền thống cùng tính ứng dụng của thẩm mỹ hiện đại. Cách này giúp cổ phục không chỉ phù hợp khi đưa vào cảnh cổ xưa mà vẫn nổi bật, ăn khớp với bối cảnh hiện đại. Đó là cách đưa cổ phục đến gần với mọi người. Chúng tôi muốn bạn trẻ thấu hiểu hơn trang phục của một thời đại trước nhưng vẫn thoải mái diện nó tại các sự kiện mang đậm hơi thở hiện đại ngày nay”, Trí cho biết thêm.

Mấy năm trở lại đây, phong trào tìm về cội nguồn cổ phục được nhiều bạn trẻ theo đuổi và tạo nên sức lan tỏa lớn khi nhiều mẫu áo nhận về lời khen cho sự chỉn chu trong thể hiện, độc đáo trong ý tưởng và bay bổng trong mầu sắc, hoa văn. Cái hay của những thiết kế do người trẻ tạo ra trên nền truyền thống là vẫn duy trì được nét đẹp cổ xưa mà không lạc lõng khi đứng giữa phố phường đông đúc, hiện đại. Từ thích cổ phục, nhiều bạn trẻ mày mò nghiên cứu thêm về lịch sử các triều đại và sẵn sàng chia sẻ với những ai cùng đam mê. Vài năm trở lại đây, rất nhiều câu lạc bộ, nhóm tìm hiểu về cổ phục, cổ phong của người Việt đã hình thành và duy trì hoạt động, tạo sức ảnh hưởng tới giới trẻ đô thị. Nhiều trào lưu độc đáo đã xuất hiện giúp gắn kết bạn trẻ hiện đại với tinh hoa cổ xưa. 

Phụ kiện cổ truyền-thị trường tiềm năng

Trong khi ngày càng nhiều bạn trẻ bước vào “sân chơi” trang phục Việt cổ, Dương Phạm Trí, người sáng lập Chiêu Minh Các chọn đi vào ngách hẹp hơn. Nhưng với Dương Phạm Trí, con đường “khó nhằn” ấy lại ẩn chứa quá nhiều thú vị bất ngờ để tay nhiếp ảnh 9X mê mỹ thuật thời xưa cứ thế bước đi. Trí nói, điều khiến bản thân yêu thích nhất hiện nay là tìm hiểu và phục dựng những trang sức của hậu phi thời Nguyễn. Những chiếc kim khánh, kim bài được làm tỉ mỉ từ kim loại hoặc nhựa resin khi phối hợp với áo ngũ thân sẽ tạo nên điểm nhấn cho người mặc. Mẫu cúc dành cho áo nhật bình từ đồng vàng đang là thiết kế được nhiều bạn trẻ “săn lùng” tại nhà Chiêu Minh. 

Học ngành mỹ thuật, làm nhiếp ảnh, hai năm nay, Trí bén duyên với lĩnh vực phục dựng phụ kiện cổ dựa trên những hiện vật trong bảo tàng. Quy trình làm việc của Trí kể ra khá đơn giản là tìm hiểu tư liệu, chụp lại hình ảnh các chi tiết cần, dựng file 3D rồi dùng công nghệ in 3D, đúc kim loại làm ra sản phẩm. Thế nhưng, có tự tay mày mò, phục dựng mới thấy rõ nỗi gian nan của công việc này. Trí kể: “Suốt một thời gian dài tự thân tìm hiểu rồi làm đi làm lại, đôi lúc nản lắm nhưng cứ thấy hoa văn cổ lại mê, lại làm. Với tôi, đây không phải là thú chơi mà cả một thị trường tiềm năng đang đợi khai thác. Vấn đề là mình phải làm mọi thứ công phu, tỉ mỉ và tôn trọng yếu tố văn hóa. Tìm đúng chỗ, áp dụng đúng nơi sẽ tạo thành phong cách thời trang riêng, thành điểm nhấn cho người mặc cổ phục Việt”. 

Cái khó mà hầu hết người trẻ tìm tòi, nghiên cứu và phỏng dựng, phục dựng cổ phục Việt đang đối mặt chính là nguồn tư liệu còn quá ít. Vậy nên, muốn làm một mẩu phụ kiện nhỏ, đôi khi Trí phải mất nhiều tuần liền nghiên cứu hoa văn. Có những hoa văn tìm thấy trên hình ảnh, tư liệu bị khuyết đòi hỏi người phỏng dựng phải tìm đến những giả định của các nhóm nghiên cứu hoặc người đi trước trong nghề rồi thử nghiệm. Vậy nên, làm sai, bỏ đi, làm lại nhiều lần là chuyện chẳng xa lạ gì. Với Trí, chọn đi đường khó thì phải biết lắng nghe vì gắn với văn hóa, lịch sử chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. 

Làm phụ kiện cổ xưa trong thời hiện đại, điểm thuận lợi đang được Trí tận dụng tối đa là nhận ý kiến đóng góp từ cộng đồng mạng cho từng sản phẩm mới. Nhờ mọi người góp ý thêm, cung cấp nhiều tư liệu mà Trí biết được mình đang sai chỗ nào, thiếu cái gì mà chỉnh sửa để sản phẩm hoàn thiện hơn. “Làm vậy thì tốn thời gian và sức lực cũng bỏ ra nhiều hơn nhưng đã làm về cổ phục, yếu tố cần bảo đảm là tôn trọng tính truyền thống. Những hiện vật này hiện nay chưa đủ về tư liệu nên cứ khi được ai góp ý thuyết phục, tôi chấp nhận bỏ đi làm lại, đẹp mà phải đúng thì mới ý nghĩa. Trong năm nay, bên cạnh các loại cúc áo và phụ kiện đeo cổ, Chiêu Minh Các sẽ kết hợp với Phượng Điển, một nhóm có cùng sở thích thực hiện dạng thức nón của quý phi vào thời Nguyễn sơ bằng bạc mạ vàng hoặc vàng thật với nhiều chi tiết đòi hỏi độ tinh xảo cao”, Trí chia sẻ thêm. 

Việt phục cổ trên hành trình trở lại -0
Nhà sáng lập Chiêu Minh Các Dương Phạm Trí giới thiệu về những hoa văn trên cổ phục. 

Chờ họa lại nét vàng son

Một khó khăn khác không thể bỏ qua chính là kinh phí đầu tư cho những dự án giữ gìn cổ phục, cổ phong mà nhiều bạn trẻ đang dấn thân. Ra đời từ năm 2015 nhưng phải đến đầu năm 2021, các hoạt động phục dựng văn hóa Chăm Pa của nhóm Chiêm Thành Vương Các mới tạo được tiếng vang trong nước. Trước đó, nhóm chủ yếu đi biểu diễn tại các chương trình văn hóa ở Thailand, Malaysia. Anh Nik Mansour Nik Halim, Trưởng nhóm Chiêm Thành Vương Các cho hay: “Nhóm có khá nhiều ý tưởng, dự định nhưng vì vấn đề kinh phí nên chưa thể triển khai như mong muốn. Chúng tôi không có nhiều nguồn thu từ bên ngoài, tất cả các hoạt động và những trang phục mà nhóm chế tác đều tự thân vận động về kinh tế nên còn nhiều hạn chế về quy mô. Thế nhưng, điều may mắn là chúng tôi nhận về rất nhiều sự quan tâm, cổ vũ và cả hoạt động hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, các anh chị đi trước nên luôn dặn nhau sẽ cố gắng hết sức trong hành trình này”.

Nhờ các kênh tương tác, hỗ trợ từ người đi trước, người có chuyên môn mà nhóm Chiêm Thành Vương Các luôn được tạo điều kiện để củng cố về phần sử liệu, ngày càng chế tác ra những trang phục, phụ kiện tiệm cận hơn với văn hóa truyền thống Chăm Pa. Nik Mansour Nik Halim vui vẻ cho biết, chính sự đón nhận của cộng đồng Chăm và bạn bè trong nước, bạn bè thế giới đã tiếp thêm động lực để Chiêm Thành Vương Các đầu tư nhiều tâm sức cho hàng loạt dự án tiếp theo. 

“Giai đoạn tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm phạm vị phục dựng để mang đến những góc nhìn thú vị hơn về văn hóa Chăm Pa. Nền văn hóa hết sức đồ sộ do ông cha ở lại nhưng hiện tại chủ yếu được khai thác nhiều về khía cạnh văn hóa dân gian, cây đa bến nước đầu đình mà chưa có sự đào sâu về mảng cung đình, cổ phục. Đây là những nét tinh hoa đang ẩn chứa nhiều cái đẹp, cái hay cần được giới thiệu ra bên ngoài. Chúng tôi muốn làm điều này để giúp mọi người hiểu sâu hơn về văn hóa Chăm Pa, một phần của văn hóa Việt”, trưởng nhóm Chiêm Thành Vương Các nói về kế hoạch sắp tới.