Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội bởi quyền và lợi ích của nhóm người này bị xâm phạm đang diễn ra khá phổ biến. Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác này. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII là bước ngoặt lớn về xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, chuỗi hoạt động bao gồm các hoạt động như Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, tổ chức giải chạy “Vì Quyền lợi người tiêu dùng” (Race for Consumers) gồm các cự ly 4,4km (2 vòng hồ Bảy Mẫu, Công viên Thống Nhất, 60 phút); 8,8km (4 vòng hồ Bảy Mẫu, 180 phút) và Hội chợ “Hội hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” nhằm tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước. Đặc biệt, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” sẽ quy mô lớn cùng các gian hàng của các doanh nghiệp trong nước, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống, tiêu dùng như đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Cùng với Hội chợ, nằm trong chuỗi hoạt động còn có sự kiện “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng” tại một số trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn với quy mô khoảng 70 gian hàng, điểm bán của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tại chương trình, các đơn vị tham gia sẽ thực hiện hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối với người tiêu dùng. Đồng thời, triển khai các hoạt động quảng bá, khuyến mại, tư vấn mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông, mở các lớp tập huấn, hội thảo trong cả năm 2023 cho nhiều doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên tổng đài nhằm giải đáp các thông tin về chương trình “Hành động vì quyền người tiêu dùng” năm 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Theo số liệu, trong năm 2022, Sở Công thương Hà Nội đã chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra 409 cuộc nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Đường dây nóng của thành phố, của Sở Công thương Hà Nội và Cục Quản lý thị trường là các địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng phản ánh thông tin và qua đó, các cấp đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 42 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, kiểm tra xử lý 1.530 vụ, tiếp nhận và giải đáp 14.192 cuộc qua tổng đài 024.1081 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện 50.000 chương trình khuyến mãi với giá trị hơn 25.000 tỷ đồng để tri ân người tiêu dùng.