Tạo dựng lối sống xanh
Dự án được hình thành từ sáng kiến của chị Vũ Hồng Thanh và Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) cùng các đơn vị phối hợp thực hiện. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của mọi người về việc giảm rác thải, nhất là ở khu vực đông dân cư, đầu năm 2022, mô hình đi vào hoạt động với 300 thành viên.
Những hoạt động đầu tiên được dự án triển khai là các hoạt động vui chơi kết hợp giáo dục về môi trường trong trường học. Theo đó, tại các trường mầm non, các em nhỏ đã được cùng nhau trải nghiệm nhiều hoạt động như: làm mặt nạ giấy bồi, con vật giấy bồi, xà-phòng tái chế từ dầu ăn thừa. Học sinh trường tiểu học cũng được thực hành phân loại rác tại trường, đổi rác lấy quà, chơi cờ tỷ phú với nội dung tìm hiểu về các cách thực hành lối sống không rác. Phụ huynh và học sinh cũng cùng làm đồ chơi bằng giấy đã qua sử dụng. Những hoạt động thực tế, gần gũi đã giúp tăng sự sáng tạo và dần hình thành nên tư duy phân loại rác tại nhà, bên cạnh ý thức bảo vệ môi trường trong các em nhỏ.
“Cộng đồng không rác thải” cũng phối hợp cùng các trường đại học trên địa bàn thành phố để tổ chức các buổi workshop, talkshow về chủ đề lối sống không rác thải và tìm hiểu về các hoạt động du lịch không rác. Ngoài ra, dự án còn liên kết với các câu lạc bộ, hội nhóm của sinh viên để cùng nhau thu gom, dọn sạch rác tại các bãi biển Đà Nẵng vào những ngày cuối tuần.
Đến nay, sau hơn một năm triển khai, “Cộng đồng không rác thải” đã tạo dựng được một lượng người tham gia đáng kể với hơn 1.500 thành viên. Trong đó, phần lớn là học sinh, sinh viên và các hộ dân. Mỗi thành viên không chỉ cùng thực hành lối sống xanh, mà còn là “sứ giả” truyền cảm hứng, chung tay lan tỏa những kiến thức về rác trong gia đình và mọi người chung quanh.
Bắt đầu từ… thói quen nhỏ
Để cụ thể hóa mục tiêu ban đầu, tháng 7 cùng năm, dự án đã đưa vào sử dụng mô hình “vườn cộng đồng” (nằm trên đường Morrison, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Khu vườn rộng 330m2 này là nơi hướng dẫn mọi người thực hành lối sống không rác thải, thông qua việc phân loại rác từ nguồn của 30 hộ gia đình sống tại khu dân cư 56, 57. Bên cạnh đó, lượng rác thải sinh hoạt của các hộ dân cư có thể tận dụng để ủ làm phân bón và trồng cây trong khu vườn. Từ đây, phần nào sẽ giảm được số lượng rác thải đem đi chôn lấp trong thành phố.
Là một trong số những hộ gia đình tham gia thử nghiệm cùng dự án, cô Huỳnh Thị Quang (61 tuổi) chia sẻ: “Xem trên báo đài thấy phân loại rác như này giúp ích được nhiều điều lắm, nhưng để thay đổi và làm quen thì cũng ít nhiều khó khăn trong ngày một ngày hai. Đến giờ, đa số bà con ở đây đã thành thục các công đoạn phân loại rác và đã thấy đơn giản. Tôi nghĩ đây là cách làm hay và nên được thực hiện nhiều hơn trong thành phố mình”.
Đều đặn ba ngày trong tuần, các thành viên “Cộng đồng không rác thải” đến từng hộ để thu gom rác đã được người dân phân loại, sau đó, rác tiếp tục được phân loại một lần nữa trước khi ủ trong những hố đào trong vườn. Trung bình có thể đem về khoảng 30kg rác hữu cơ của các hộ dân trong một chuyến đi thu gom. Sau một năm, ước chừng gần 10 tấn rác đã được ủ tại vườn cộng đồng này. Từ một mảnh đất chỉ toàn là cây cỏ cao và xà bần, hiện giờ, nơi đây đã là một khu vườn xanh mát, có hoa, các loại cây dược liệu và một số loại rau, cùng khu vui chơi. Giúp mọi người chung quanh, ở mọi lứa tuổi có địa điểm đến để tưới cây, ủ phân, trẻ em tới vui đùa…
Chị Vũ Hồng Thanh (SN 1992) là người điều phối dự án, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông trên mạng xã hội để tiếp cận được đông đảo mọi người. Việc liên kết cùng nhiều trường học tại Đà Nẵng để đưa các hoạt động về môi trường đến với các em cũng rất cần thiết. Và quan trọng nhất, là vận động thêm nhiều gia đình tham gia phân loại rác thải để dần tạo nên một thói quen không thể thiếu của mỗi người, mỗi nhà, mỗi khu vực đông dân cư”.
Tham gia từ sự giới thiệu của bạn bè, ba tháng qua là khoảng thời gian đầy thú vị và học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích của Vũ Hương Thảo (sinh viên năm thứ hai, Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng). Thảo tâm sự: “Mình được góp một phần sức để các bạn học sinh hiểu hơn về môi trường nên cảm thấy rất vui. Tham gia mô hình này, mình có thêm được nhiều bạn bè mới, phát triển thêm một vài kỹ năng mềm khác nữa giúp mình hoàn thiện bản thân hơn”.