Thỏa thuận bảo đảm bầu cử
Chính phủ Venezuela và phe đối lập đã nối lại các cuộc đàm phán do Na Uy làm trung gian tại Thủ đô Bridgetown của Barbados ngày 17/10 nhằm chấm dứt khủng hoảng kinh tế - chính trị của đất nước sau gần một năm đình chỉ. Tham gia cuộc đàm phán còn có đại diện của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, sẽ tiếp tục nỗ lực đoàn kết cộng đồng quốc tế để hỗ trợ quá trình đàm phán do Venezuela dẫn đầu.
Theo thỏa thuận được ký kết tại Barbados, cuộc bầu cử Tổng thống mới của Venezuela sẽ được tổ chức vào cuối năm 2024, trong đó các quan sát viên quốc tế được phép tham gia theo dõi cuộc bầu cử này. Ngoài ra, mỗi đảng phái chính trị có quyền lựa chọn một ứng cử viên theo quy chế nội bộ vài ngày trước khi phe đối lập chính thức tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 22/10 tới.
Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc tại Venezuela bắt đầu vào tháng 8/2021, nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 10 cùng năm sau khi một doanh nhân Venezuela bị bắt giữ tại Cape Verde và bị dẫn độ về Mỹ với cáo buộc rửa tiền. Đàm phán được nối lại sau đó nhưng đến tháng 11/2022 lại bị gián đoạn, sau khi chính phủ tuyên bố tiếp tục đối thoại với điều kiện 3 tỷ USD bị “đóng băng” ở nước ngoài được giải phóng. Trong khi đó, phe đối lập muốn tiến hành các cuộc bầu cử vào năm sau. Tuy nhiên, hồi tháng 3/2023, một quan chức Venezuela cho biết, việc tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024 phụ thuộc vào việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Mỹ latin này.
Tàu chở dầu của Tập đoàn Chevron cập cảng Venezuela. Ảnh: REUTERS |
Mỹ nới lỏng trừng phạt ngành dầu khí Venezuela
Báo The Washington Post đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với ngành dầu mỏ Venezuela trong bối cảnh Caracas sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gần đây khẳng định, nước này đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa và điều chỉnh các mối quan hệ ngoại giao, lãnh sự và chính trị với Chính phủ Mỹ.
Đầu năm nay, hai tàu chở dầu của Tập đoàn Chevron đã cập cảng quốc gia Nam Mỹ này với nhiệm vụ chuyên chở dầu thô và xăng về Mỹ lần đầu sau bốn năm. Ước tính liên doanh giữa Chevron và công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đang sản xuất khoảng 135.000 thùng/ngày, tiệm cận mức mà họ sản xuất được trước khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2019. Sản lượng khai thác hiện nay tăng khoảng 70% so mức trung bình ghi nhận trong năm 2022. Chevron đang lên kế hoạch nâng sản lượng khai thác ở Venezuela thêm 65.000 thùng dầu mỗi ngày vào cuối năm 2024.
Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 2019, sau khi Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của nước này thay cho ông Maduro tái đắc cử. Mỹ đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt Caracas, nhắm vào ngành dầu mỏ và tài chính của nước này. Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết, các lệnh trừng phạt của Washington đã gây thiệt hại khoảng 232 tỷ USD đối với Caracas.
Tháng 3/2022, hai nước đã nối lại các cuộc tiếp xúc ở một mức độ nhất định khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cử một phái đoàn đến Caracas để đàm phán với chính phủ của ông Maduro về vấn đề cung ứng dầu mỏ, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gia tăng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Hồi tháng 11/2022, Mỹ cũng nới lỏng trừng phạt dầu mỏ của Venezuela sau một thỏa thuận của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập. Thỏa thuận đánh dấu việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ từ lâu nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị phức tạp ở quốc gia Mỹ latin này.