1/Những ngày lênh đênh trên biển, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt đăm chiêu lúc nào cũng dõi về hướng biển của cựu chiến binh Trần Văn Lịch đã thu hút sự chú ý của tôi. Trong khi hầu hết các thành viên đoàn công tác xúm tụm với nhau trò chuyện rôm rả thì cựu chiến binh Trần Văn Lịch luôn ngồi trầm tư ở boong tàu, đôi mắt ưu tư nhìn xa xăm theo những con sóng lao xao đuổi nhau trên mặt biển xanh vời vợi.
Sinh năm 1960 tại xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tháng 10/1984 sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, ông Trần Văn Lịch chính thức nhận nhiệm vụ tại Hải đội 413 thuộc Vùng 4 Hải quân với chức danh Chính trị viên, Bí thư Chi bộ của tàu HQ616. Khi đó tàu HQ616 có nhiệm vụ vận tải phục vụ quần đảo Trường Sa. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng ấy, cựu chiến binh Trần Văn Lịch kể cho tôi nghe về những chuyến đi biển ròng rã hơn hai tháng trời, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn, sóng to, gió lớn, khí hậu khắc nghiệt. Có những thời điểm anh em trên tàu đều say sóng, bỏ bữa, ngay cả thuyền trưởng cũng vừa đứng lái tàu với chiếc “xô nôn” đặt bên cạnh, vừa cố gắng tỉnh táo để điều khiển tàu đi đúng lộ trình. Có những hôm thời tiết xấu, tàu không ra được đảo đành phải quay về. Trong một chuyến đi biển năm 1984, tàu HQ616 bị hỏng máy, mất phương hướng, phải thả trôi hai ngày, hai đêm trên biển. Sau đó nhờ liên lạc điện tín qua morse anh em đã được một tàu của Liên Xô (trước kia) đưa về. Dù ngày ngày phải đối mặt vô vàn khó khăn, hiểm nguy nhưng ông Lịch và các đồng đội của mình không một ai nản chí, xuống tinh thần.
2/Ông Lịch tâm sự, từ năm 1995 trở về trước, tàu vận tải ra Trường Sa trang bị hết sức thô sơ, không có thiết bị hỗ trợ nên anh em chủ yếu đi biển bằng kinh nghiệm của ngư dân. Vậy nhưng cứ có lệnh là cả đội lên đường, trừ phi gió cấp 8-9 mới dừng, và các chuyến công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi chuyến chuyển quân ra đảo, anh em đội tàu còn nằm sàn để nhường giường cho bộ đội ta vốn chưa quen lênh đênh dài ngày trên biển. Ông bảo, đó mới chỉ là những thử thách ban đầu đối với những người lính Trường Sa. Bởi lẽ điều kiện sinh hoạt ở Trường Sa thời điểm này vô cùng khó khăn. Chỉ riêng câu chuyện nước ngọt đã phần nào cho thấy rõ điều đó. Nước cho đảo được chuyển từ đất liền ra và một phần từ nước mưa bộ đội ta hứng được tại chỗ. Tuy nhiên, do chưa xây được bể chứa đủ lớn nên bộ đội ta phải dùng hết sức dè sẻn. Mỗi người một ngày chỉ được 3-4 lít nước nên lính tráng đành phải tắm bằng nước biển và lau qua người bằng nước ngọt. Cả việc rửa rau, vo gạo cũng đều sử dụng nước biển.
Không chỉ thiếu thốn nước ngọt, rau xanh, cùng các nhu yếu phẩm khác, bộ đội ta đóng quân ở Trường Sa còn vô cùng thiếu thốn về đời sống tinh thần. Thông tin từ đất liền ra đảo có khi phải mất 3-4 tháng. Chính vì vậy, điều anh em ngóng chờ nhiều nhất là những lá thư từ quê nhà. Hằng năm, mỗi khi có đoàn văn công ra đảo, anh em háo hức đón chờ đến mất ăn, mất ngủ.
3/Trong những kỷ niệm không thể nào quên về những năm tháng quân ngũ, cựu chiến binh Trần Văn Lịch nhớ nhất là sự kiện tối ngày 11/3/1988. Khi đó trước chuyến công tác ra đảo, tàu HQ604 thuộc Lữ đoàn 125 tổ chức bữa cơm thân mật, mời chỉ huy tàu và các đơn vị bạn đến cùng giao lưu. Ông Trần Văn Lịch đại diện tàu HQ616 cũng tham dự và ngồi cùng Đại úy Vũ Huy Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604. Vui hơn nữa là ông được gặp Thượng úy Vũ Văn Thắng, Chính trị viên, Bí thư Chi bộ tàu HQ604 từng là bạn học của ông ở lớp 3CV1 thuộc Học viện Hải quân.
Ông Lịch rưng rưng kể lại: “Sau bữa ăn, Thắng kéo tôi lên phòng mình chơi. Đến khuya, tự nhiên Thắng nói với tôi: “Hôm nay mày ở lại ngủ với tao. Tao có cảm giác lần này tao đi về không gặp chúng mày nữa”. Thấy Thắng nói gở, tôi vội gạt đi “Nếu tớ vào phép sớm thì đã đi tàu HQ614 ra cụm đảo phía Nam trước bạn”. Ngày 14/3, tôi đang ở Bộ Tư lệnh tiền phương Vùng 4 Hải quân thì nhận được tin dữ về Gạc Ma, lòng tôi như có lửa đốt. Tôi linh cảm bạn tôi đã hy sinh. Đau đớn thay, điều đó đã thành sự thật…”.
Trong sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988, thuyền trưởng Đại úy Vũ Huy Trừ, Thượng úy Vũ Văn Thắng cùng một số thủy thủ trên tàu HQ604 đã hy sinh anh dũng. Buổi tối 11/3 cũng là lần cuối cùng ông Lịch được ngồi với họ. Nhớ lại sự kiện bi thương này, người cựu chiến binh ngồi lặng đi trong chốc lát. Khuôn mặt sạm đen nắng gió trĩu nặng tâm tư.
4/Năm 1988, do phân công của cấp trên, ông Trần Văn Lịch không theo tàu ra Trường Sa nữa mà nhận nhiệm vụ làm trợ lý thanh niên Hải đội 413. Hai năm sau ông chính thức ra quân. Khác với những đồng đội của mình là Phạm Minh Cảnh, Hồ Quý Hữu, Trần Văn Tư tiếp tục quay trở về với nghề nông sau khi xuất ngũ, hay Nguyễn Thanh Việt đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức (cũ), ông Trần Văn Lịch vẫn không thể quên được biển. Với kinh nghiệm đi biển dạn dày và mong muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội, sau khi ra quân, ông đã tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức một năm tại Trường đại học Hàng hải tại Hải Phòng, sau đó trở thành sĩ quan trên tàu viễn dương. Đến năm 2014, ông Lịch nghỉ hưu, về sống cùng gia đình tại quê nhà.
5/Những năm tháng có ý nghĩa nhất đối với ông chính là thời gian sống đời quân ngũ, gắn bó với Trường Sa. Tham gia đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, ông Lịch vô cùng xúc động bởi gần 30 năm, giờ đây ông mới có dịp trở về thăm lại “chiến trường xưa”. Ông lặng người đi khi đứng trước cột mốc chủ quyền đứng hiên ngang giữa đảo. Ký ức một thuở bỗng ùa về như sóng biển. Gương mặt, tiếng nói, nụ cười những người đồng đội cũ lần lượt hiện lên trong trí nhớ. Trái tim ông như sống lại tuổi thanh xuân, đập cùng nhịp đập với biển. Cùng tâm trạng với ông, cựu chiến binh Trần Văn Tư cũng mải mốt tìm lại những công sự ông đã từng tham gia xây dựng ngày trước.
Chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, ngắm nhìn những ngôi nhà vững chãi trước bão táp phong ba, những vườn rau xanh mướt mát bất chấp gió muối và cát mặn, nghe tiếng trẻ thơ hồn nhiên nô đùa trên đảo…, ông Lịch và các đồng đội của mình vui mừng khôn xiết. Sự sống đã sinh sôi trên mảnh đất nhọc nhằn, gian khó. Hằng năm, những chuyến tàu vượt sóng gió ra với Trường Sa, thu hẹp khoảng cách giữa đất liền ra với đảo, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những người lính làm nhiệm vụ ở nơi đây.
Ông Lịch cho biết, mình cùng các đồng đội của mình tuy đều đã nghỉ hưu, sức khỏe có phần giảm sút những vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong Câu lạc bộ Cựu chiến binh Hải quân Trường Sa của tỉnh Quảng Bình với nhiều việc làm ý nghĩa như thăm hỏi tri ân các gia đình liệt sĩ Trường Sa; tặng quà mẹ liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây nhà tình nghĩa… Các thành viên Câu lạc bộ cũng tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, ôn cố tri tân, động viên, sẻ chia với nhau những khó khăn trong cuộc sống, để luôn xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với sự hy sinh của những người đồng đội đã nằm lại nơi biển khơi để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở tuổi ngoài 60, điều mong muốn của cựu chiến binh Trần Văn Lịch hiện nay là Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, biết trân quý những giá trị mà cha ông và lớp lớp người đi trước để lại và sẵn sàng xả thân, cống hiến cho đất nước.
“Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc” - tiếng hô vang vọng trong đêm đoàn công tác chia tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa khiến người lính già Trần Văn Lịch rưng rưng nước mắt. Tôi cảm nhận trong ông luôn thường trực tình yêu mãnh liệt với biển đảo và niềm tự hào của một người lính đã từng đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho Trường Sa, cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.