Về Thoại Sơn xem múa Óc Eo

Làm sao để cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm, trân trọng nền văn hóa cổ xưa của dân tộc? Làm sao để tinh hoa văn hóa dân tộc tiếp tục được trao truyền và tiếp nối đến thế hệ mai sau? Để trả lời câu hỏi này, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã có cách làm sáng tạo.
Ông Nguyễn Hữu Giềng (thứ hai từ trái qua) giới thiệu về văn hóa Óc Eo.
Ông Nguyễn Hữu Giềng (thứ hai từ trái qua) giới thiệu về văn hóa Óc Eo.

Sáng tạo truyền hơi thở linh thiêng

Hình thành và phát triển ở Nam Bộ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, văn hóa Óc Eo là một trong ba nền văn hóa lớn của Việt Nam (bao gồm Đông Sơn ở miền bắc, Sa Huỳnh ở miền trung và Óc Eo ở Nam Bộ); và có quan hệ mật thiết với lịch sử khu vực Đông Nam Á cổ đại. Khu vực Óc Eo-Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn (An Giang) được xem là trung tâm của nền văn hóa này. Năm 2012, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê đã được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt; được xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ngày 4/1/2022, UNESCO đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới. Hồ sơ di sản khẳng định những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu cho một trong những nền văn minh cổ đại đã biến mất. Hiện các cơ quan liên quan đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo.

Nhưng, làm sao để cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm và trân trọng một nền văn hóa đã từng rất phát triển trong quá khứ? Làm sao để tinh hoa văn hóa của người xưa tiếp tục được trao truyền và tiếp nối đến thế hệ mai sau? Đó là trăn trở của ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo. Thật hữu duyên, ông đã gặp được những người đồng chí hướng.

Năm 2016, Giám đốc Giềng đã cùng NSND Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và nhạc sĩ Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang hăng say nghiên cứu, mô phỏng, khắc họa từ các cổ vật văn hóa Óc Eo, từ đó hình thành nên tiết tấu, cung bậc, thang âm điệu thức, động tác và điệu bộ của điệu múa Óc Eo. Đây là một công việc rất khó nhưng không hề khiến ông Giềng và các cộng sự nản lòng bởi họ hiểu đó là cách giúp cho di sản được thổi nguồn sinh lực mới trong đời sống hiện đại.

Sau ba năm nghiên cứu, bài múa Óc Eo đã hình thành với thời lượng 15 phút, gồm 3 phần: “Ông voi”, “Lưỡi kiếm”, “Sum họp”. Trong đó, bài múa “Sum họp” có thể biểu diễn tập thể với sự tham gia của hàng trăm người. Các bài múa góp phần tái hiện hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu, sức mạnh chinh phục thiên nhiên, bảo vệ bờ cõi xứ sở của người Phù Nam. Cùng với thiết kế trang phục cổ xưa kết hợp với âm nhạc truyền thống, điệu múa không quá phức tạp, chỉ kết hợp tay chân, nhưng thể hiện uy lực, pha chút huyền bí, linh thiêng, góp phần tái hiện một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người xưa.

Để lớp trẻ đưa di sản vào đời sống

Trên cơ sở bài múa đã xây dựng vừa bảo đảm tính nghệ thuật, vừa tôn trọng các yếu tố văn hóa, lịch sử, năm 2019, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo mở các lớp múa Óc Eo, thu hút hàng trăm học sinh, giáo viên trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Tri Tôn. Từ các lớp múa, địa phương đã hình thành được đội múa nòng cốt để biểu diễn phục vụ các hoạt động cộng đồng, cũng như các hội nghị, hội thảo, được đánh giá cao.

Trả lời về lý do nhân rộng phong trào học múa Óc Eo ra các trường trong toàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Giềng cho biết, việc đưa nội dung giáo dục di sản văn hóa vào học sinh, ngay tại khu di tích là một phương pháp rất hiệu quả để di tích trở thành địa chỉ thân thiện với học sinh. Qua đó giúp thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, thêm tự hào về di tích, thêm trân trọng tiền nhân, cùng ra sức giữ gìn các di tích của địa phương.

Giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, việc thực hành múa Óc Eo tạm lắng, cho đến tháng 4/2023, phong trào sôi nổi trở lại trong các trường học. Các em học sinh còn được tham gia các lớp học múa ngay tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, như một cách đắm mình trong không gian của một nền văn hóa từng rất rực rỡ trong lịch sử. Trực tiếp hướng dẫn các em múa Óc Eo, cô Lý Thị Ngọc Sương chia sẻ: “Mỗi bài múa mang ý nghĩa nhất định, thể hiện sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người, cuộc sống đoàn kết, gắn bó trong một dân tộc. Việc mở lớp múa sẽ giúp cho thanh, thiếu nhi học tập, sinh hoạt, giao lưu tập thể, nâng cao đời sống tinh thần. Sau đó, chọn cá nhân giỏi, tích cực để từng bước nhân rộng cho lớp trẻ và cộng đồng”.

Thời gian đầu, nhiều học sinh còn e ngại, song được các thầy cô cổ vũ và nhất là được truyền cảm hứng từ những buổi tham quan tìm hiểu tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, các em đã mạnh dạn thử sức. Em Trần Trọng Tín (Trường THCS Nguyễn Công Trứ) tâm sự: “Những điệu múa tuy đơn giản, nhưng có sức lôi cuốn, thôi thúc em khám phá đời sống, sinh hoạt của người Phù Nam xa xưa. Em sẽ cùng với các bạn học thật tốt từng động tác và mong sẽ có dịp biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của tỉnh”.