1/ Tôi vẫn nhớ như in những vần thơ mình học thời cấp 1: Cứ mỗi độ thu sang/Hoa cúc lại nở vàng/Ngoài vườn hương thơm ngát/Ong bướm bay rộn ràng/Em cắp sách tới trường/Nắng thu rải trên đường/Trời trong xanh gió mát/Đẹp thay lúc thu sang.
Tôi yêu bài thơ ấy chắc cũng giống các cháu thiếu nhi yêu những bài thơ hay được học trong sách giáo khoa sau này như Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa; Hương rừng của Minh Chính; Quê hương của Đỗ Trung Quân; Lũy tre của Nguyễn Công Dương; Làm anh của Phan Thị Thanh Nhàn… Đấy là những bài thơ hay về ý tứ, cấu trúc mạch lạc, có nhiều hình ảnh đẹp, giàu tính nhạc và rất trong sáng, hồn nhiên, phù hợp với tâm hồn thiếu nhi. Hay như bài thơ Mèo con đi học của P.Vô-rôn-cô có trong sách giáo khoa lớp 1, đọc lên rất thú vị bởi câu chuyện ngộ nghĩnh đầy tính giáo dục của nó: Mèo con buồn bực/Mai phải đến trường/Bèn kiếm cớ luôn:/-Cái đuôi tôi ốm//Cừu mới be toáng:/-Tôi sẽ chữa lành/Nhưng muốn cho nhanh/Cắt đuôi khỏi hết!//-Cắt đuôi? Ấy chết…!/Tôi đi học thôi.
2/ Tôi hơi dông dài đôi chút như là cách đề dẫn cho câu chuyện chính muốn nói về bài Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, tập 1, bộ “Kết nối tri thức và cuộc sống” đang được dư luận quan tâm những ngày qua.
Bài ấy đó như sau: Bắt nạt là xấu lắm/Đừng bắt nạt, bạn ơi/Bất cứ ai trên đời/Đều không cần bắt nạt//Tại sao không học hát/Nhảy híp-hóp cho hay/Thời gian trong một ngày/Đâu để dành bắt nạt/ Sao không ăn mù tạt/Đối diện thử thách đi?/Thử kẻ yêu làm gì/Sao không trêu mù tạt?//Những bạn nào nhút nhát/Thì là giống thỏ non/Trông đáng yêu đấy chứ/Sao không yêu, lại còn…?//Đừng bắt nạt người lớn/Đừng bắt nạt trẻ con/Đừng bắt nạt nước khác/Trên khắp trái đất tròn//Đừng bắt nạt mèo, chó/Đừng bắt nạt cái cây/Đừng bắt nạt ai cả/Vì bắt nạt dễ lây/Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay//Cứ đến bắt nạt tớ/Bị bắt nạt quen rồi/Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi.
Ở góc độ một người đọc, tôi cảm nhận rằng, bài thơ này chưa đạt được độ thuyết phục về cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu, đặc biệt là với tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa cho học sinh lớp 6 học. Hơi khó hiểu về lý do mà bài thơ được chọn. Lần theo nội dung bài thơ, tôi cảm thấy nó được viết ra có phần lộn xộn, dài dòng. Rất khó cảm nhận được hình ảnh thơ hay một sự lấp lánh nào đó.
Có một thực tế nữa. Đông đảo học sinh ta vẫn ở nông thôn, vùng núi, hình ảnh nhảy híp-hóp và mù-tạt trong bài thơ dường như chưa mang tính phổ quát, thông dụng. Phải chăng các nhà biên soạn khi đọc đã chưa hình dung ra điều này. Liệu khi giảng bài, các thầy giáo, cô giáo có phải giải mất công giải thích híp-hóp, mù-tạt là gì. Bài thơ này khó lòng đạt đến sự giản dị mà lại có phần dễ dãi. Tôi cho rằng, thơ cho trẻ em cần sự nhẹ nhàng, hồn nhiên, tinh tế mà ở đây chưa thấy được điều đó. Thậm chí khá là khó hiểu khi tác giả viết: Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay//Cứ đến bắt nạt tớ/Bị bắt nạt quen rồi/Vẫn không thích bắt nạt/Vì bắt nạt rất hôi?
3/ Không ít nhà thơ, nhà giáo, nhà báo và phụ huynh đã thể hiện quan điểm không đồng tình với việc bài Bắt nạt này được đưa vào sách giáo khoa. Xin dẫn chứng một số ý kiến. TS, nhà phê bình văn học Vũ Nho nhận xét, chê hành vi bắt nạt là cần, là có tính giáo dục. Tuy vậy, việc triển khai ý tưởng này thành bài thơ như tác giả thì không thành công… Như là lời kêu gọi, lời hô hào. Món mù tạt, hạt cải cay bỗng dưng được đưa vào để thách kẻ bắt nạt một cách tùy tiện… Bài thơ đưa ra lời khuyên không cần bắt nạt ở mọi chỗ, mọi nơi nhưng thiếu sự mạch lạc. Nhà giáo Đỗ Đức Thuần ở Quảng Bình cho biết, khi dạy online cho học sinh giỏi văn huyện Lệ Thủy, vừa mới đọc bài thơ lên cả lớp ngớ người, rúc rích cười và tròn xoe mắt, hỏi thơ chi lạ rứa thầy! Còn nhà thơ, TS Trần Quang Đạo cũng nhận xét, đây là một bài thơ dở. Nhà thơ Đào Quốc Vịnh thì có ý kiến rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên sử dụng bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa, vì theo ông, thơ không hay, và, trong những ngày qua, khi có các ý kiến góp ý, không đồng tình với bài thơ, với những người biên soạn sách, tác giả bài thơ đã có thái độ không đúng mực và phản ứng thiếu lịch sự.
Việc chọn tác phẩm văn học đưa vào sách giáo khoa, nhất là cho các em nhỏ, rất cần sự thẩm định, chọn lựa kỹ càng và cân nhắc về đối tượng tiếp nhận. Cần suy xét đến cả những trường hợp tác phẩm có thể được một bộ phận hay một nhóm nhà chuyên môn đồng thuận, nhưng việc giảng dạy về nó với lứa tuổi thiếu nhi đã phù hợp hay chưa. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc về trường hợp bài thơ “Bắt nạt” này.