1. Nội dung cơ bản của chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là:
a) Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
“Trung” và “hiếu” là hai khái niệm cơ bản, đứng đầu trong “tam cương” và “ngũ luân” của đạo đức Nho giáo. Ở đây, Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước của người Việt Nam, giữ lại ý nghĩa trách nhiệm, bổn phận của người dân, của người con trong khái niệm “trung, hiếu” để đưa vào đấy nội dung mới, hoàn toàn mang tính cách mạng, “trung với nước, hiếu với dân”. “Trung với nước” là trung thành với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của nhân dân và của Đảng. “Hiếu với dân” là đem lại cuộc sống “ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”, thương dân, gần dân, gắn bó với dân, kính trọng lễ phép với dân và học tập dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc.
Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cao hơn là “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, vì cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, người “dẫn dắt”, nhưng lại “là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
b) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - mình vì mọi người là những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những khái niệm quen thuộc của truyền thống đạo đức phương Đông và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những khái niệm này được Hồ Chí Minh cải biến nội dung, đưa vào nó những yêu cầu mới, nội dung mới trên cơ sở kế thừa, giữ lại những yếu tố tinh túy, tốt đẹp, phù hợp, lọc bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với điều kiện lịch sử mới, thời đại mới. Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính tốt sẽ dẫn tới chí công vô tư - mình vì mọi người, một lòng vì dân, vì nước nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư - mình vì mọi người là chủ nghĩa tập thể đối lập với chủ nghĩa cá nhân, thực hiện chí công vô tư - mình vì mọi người đòi hỏi phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
c) Yêu thương, quý trọng con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người mới.
Không có tình yêu “thương người như thể thương thân” thì không thể là người cách mạng, người có lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Tình yêu thương, quý trọng con người luôn gắn liền với thái độ tôn trọng con người, biết cách nâng đỡ con người, rộng lượng và khoan dung với người, nhưng lại phải nghiêm khắc với bản thân mình.
Yêu thương, quý trọng con người không phải là tình thương chung chung trừu tượng, phi giai cấp mà phải gắn với cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ khi nào con người được sống trong một đất nước độc lập, trở thành chủ nhân thật sự của đất nước, được “ấm no, tự do, hạnh phúc” thì mới có tình “yêu thương, quý trọng con người” thật sự.
d) Tinh thần quốc tế trong sáng, chân chính là phẩm chất đạo đức mới, là yêu cầu cao về đạo đức cách mạng ở tầm quan hệ rộng lớn, vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, dân tộc vì phẩm chất này được hình thành trên cơ sở bản chất quốc tế của giai cấp vô sản và được hun đúc lên bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại.
Cùng với những nội dung khái quát của các chuẩn mực đạo đức mà mỗi người cán bộ cần phải có, phải giữ vững trên đây, Hồ Chí Minh lại đề ra những yêu cầu, những tiêu chuẩn đạo đức phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực hoạt động, trong các mối quan hệ đạo đức của con người và tùy theo phạm vi trách nhiệm công việc của mỗi người, phù hợp với mỗi giai đoạn của cách mạng.
2. Để xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng theo những tiêu chuẩn, chuẩn mực, phẩm chất đạo đức kể trên, cần phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đó là:
a) Nói đi đôi với làm, nêu gương sáng về đạo đức là một yêu cầu, một phương châm lớn và sâu sắc để xây dựng đạo đức mới - đạo đức cộng sản.
Theo Hồ Chí Minh, nói phải luôn luôn đi đôi với làm, làm rồi mới nói, nói ít làm nhiều, không tự phô trương, khoe mẽ. Như vậy, tư tưởng, ý thức đạo đức phải gắn liền, hòa quyện với hành vi đạo đức và hiện thực cuộc sống sinh động. Về điểm này, Người đã từng chỉ rõ: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”1. Điều đó cho thấy không có gì thuyết phục hơn, cảm hóa và lôi cuốn hơn đối với mọi người bằng những việc làm thực, bằng việc nêu gương sáng.
b) “Xây” đi đôi với “chống” là nguyên tắc chỉ đạo mang tính bắt buộc, là đòi hỏi khách quan để xây dựng đạo đức mới - đạo đức cách mạng.
Xây dựng đạo đức mới là phải tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất, chuẩn mực đạo đức cách mạng cho mỗi người, trong từng gia đình, tập thể, cộng đồng, làng xóm, trường học và toàn xã hội; khơi dậy ở mỗi người khát vọng tự nguyện vươn lên cái chân, thiện, mỹ, loại bỏ cái ác, cái xấu, cái sai...; xây dựng chủ nghĩa tập thể, tinh thần phụng sự Đảng, Tổ quốc, nhân dân, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết; nhân rộng điển hình tiên tiến “người tốt, việc tốt”; chống là chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật, lười biếng.
c) Phải tu dưỡng đạo đức kiên trì, bền bỉ, hằng ngày, hằng giờ trong suốt cuộc đời.
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”2. Đối với Hồ Chí Minh, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, có xấu, có tốt, có thiện, có ác, có ưu điểm, khuyết điểm... Vấn đề là ở chỗ phát huy cái hay, cái tốt, cái thiện, cái ưu điểm và hạn chế tiến tới xóa bỏ cái xấu, cái ác, khuyết điểm ở mỗi người, mà muốn thực hiện được điều đó thì phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời, kiên trì, bền bỉ.
d) Luôn luôn tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén của Đảng, của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng đạo đức cách mạng.
Phê bình là nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình, phê bình phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, phê bình là để sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, tránh nể nang, che giấu khuyết điểm cho nhau, ngại đấu tranh, ngại va chạm...; tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình, trung thực, thẳng thắn, không kiêu ngạo, không độc đoán cá nhân, không tự cho phép mình đứng ngoài tổ chức, ngoài vòng kỷ luật và phải nghiêm khắc với bản thân mình.
Theo Bác, tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, gắn liền với nhau, phải có phương pháp phê bình đúng đắn và phải gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình.
Những nội dung nêu trên là những biện pháp thiết thực, một mặt, nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, tăng cường quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; mặt khác góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, tạo được sự chuyển biến thật sự trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16.
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.612.
Sáng 12/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ban tổ chức đã nhận được gần 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học trong cả nước.
Nhân dịp này, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Triển lãm ảnh và sách “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Triển lãm trưng bày 4 loại sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản, gồm: (1) Những cuốn sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; (2) Những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; (3) Những tấm gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (4) Những cuốn sách do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xuất bản với hơn 200 đầu sách.