Vấn đề Nhân quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Là người cộng sản chân chính, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm rõ và thấu hiểu nỗi đau mất quyền con người của dân tộc Việt Nam cũng như am tường về sự giả dối khi thực hiện quyền con người của chế độ thực dân, đế quốc. Người đã dành cả cuộc đời, sự nghiệp của mình để đấu tranh cho quyền con người thật sự của nhân dân Việt Nam và cho cả nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00

Về bản chất của nhân quyền phương Tây

Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lột tả bản chất cái gọi là nhân quyền (quyền con người) xảo trá của bọn thực dân, đế quốc. Vì vậy, trong bài Nền văn minh thượng đẳng, đăng trên báo Le Libertaire, ngày 23/9/1921 với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người đã mỉa mai: “Bạn Vinhê Đốctông của chúng ta bằng một cuộc khảo sát phong phú về tư liệu, sẽ cho độc giả báo Libertaire thấy dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh “nền dân chủ Pháp”, người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương. Nhưng, bên cạnh việc đầu độc tập thể và chính thức đang làm vẻ vang lớn cho đất nước có bản Tuyên ngôn nhân quyền kia, còn có cả những vụ giết hại cá nhân của những kẻ đi khai hóa”.

Cũng vấn đề này, theo Nguyễn Ái Quốc, quyền con người ấy bị biến dạng dưới chủ nghĩa tư bản, đó là quyền của kẻ mạnh - nó không khác gì “luật rừng” - tức luật của những con thú trong rừng: “mạnh được, yếu thua” - thứ quyền xấu xa, ghê tởm nhất. Vì vậy, trong bài Ông Anbe Xarô và bản Tuyên ngôn nhân quyền, đăng trên báo Le Paria, số 22, tháng 1/1924 với bút danh “N.”, Nguyễn Ái Quốc viết: “Một cái quyền khác ra đời, dưới một dạng khác, còn xấu xa hơn, ghê tởm hơn: quyền của kẻ mạnh. Bằng cái quyền này người ta muốn hủy diệt nước Nga cách mạng. Bằng cái quyền này người ta muốn biến nước Đức thành một nghĩa địa và một bãi hoang. Bằng cái quyền này người ta tìm cách chia nhau Trung Quốc. Và cũng bằng cái quyền này người ta dìm thật sâu những dân các thuộc địa vào vòng nô lệ, những thuộc địa, vì bảo vệ quyền con người”. Ấy vậy mà, ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa lại không biết ngượng mồm khi tuyên truyền cái gọi là Tuyên ngôn nhân quyền ấy: “Dù rằng sự thực đau lòng như vậy, nhưng thế giới rồi cũng quen đi với cái triết lý, cái tính trì độn vốn dĩ, mỗi khi người ta khuấy lên cái tư tưởng định mệnh của nó. Đã thế, ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, lãnh tụ bảo vệ quyền người bản xứ ở thuộc địa, lại còn, với cái giọng lưỡi bất khả tri của ông vừa xới lên cái tính cuồng tín của bọn “mọi” của ông. Muốn cho bài diễn văn của ông ở Trường thuộc địa được nổi lên hơn nữa sau khi đã biểu diễn vẫn những múa may kịch tính của ông, vẫn cái ngôn phong kêu và rỗng tuếch của ông, vẫn những sáo ngữ cũ rích lặp đi lặp lại của ông nó đi đến chỗ (…) của những kẻ bóc lột và áp bức tương lai ở các thuộc địa. Bản Tuyên ngôn nhân quyền, nhà ảo thuật tu từ học này, hôm đó, chắc là đã hoàn toàn loạn thần kinh”.

Hệ lụy từ cái gọi là “nhân quyền” kiểu phương Tây

Với cách tiếp cận toàn diện của mình, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ hệ lụy từ việc chính sách “nhân quyền” kiểu phương Tây ở phạm vi khác nhau.

Ở phạm vi quốc tế, cũng trong bài Ông Anbe Xarô và bản Tuyên ngôn nhân quyền, Người viết: “Chính vì quyền con người mà hàng triệu con người đã bị giết hại trong thời đại chiến. Cái quyền mà họ đã hy sinh vì nó, cùng với những xác chết thảm thương của họ, nay bị vùi sâu vào lãng quên. Hồi đó, các chính khách còn gào to hơn cả tiếng đại bác cho khắp bốn phương gầm trời nghe: quyền! quyền! quyền! Nhưng lập tức, sau khi cuộc chém giết đã chấm dứt, lập tức sau khi tai họa đã qua, thì không còn ai nghe thấy nói đến cái con vật ấy nữa. Ở Vécxây, ở Giơnevơ, ở Bulônhơ cũng như ở Oasinhtơn quyền con người đã được thay thế bằng than đen, than đá, dầu hỏa, thuộc địa”. Như vậy, đằng sau những lời hô hào “lên gân, lên cốt” ấy của những kẻ đi bóc lột khi nhân danh đấu tranh cho quyền con người là nhằm vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động của công - nông ngay trong chính quốc và cả ở thuộc địa. Tội ác đó, được Nguyễn Ái Quốc luận giải rõ trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Pari (Pháp) năm 1925, xuất bản lần đầu ở Việt Nam năm 1946. Tác phẩm này cho loài người thấy rõ thực chất của cái gọi là tự do, bình đẳng, bác ái của chủ nghĩa tư bản thật ra chỉ là sự tự do cướp bóc và giết chóc, là chế độ nô lệ đương đại, những lò sát sinh mà sự phân biệt chủng tộc với “hành xử kiểu Linsơ” không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn diễn ra trên thực tế, dưới các hình thức khác nhau và không chỉ dừng lại ở việc bóc lột, cướp bóc, hành hạ, giết chóc tùy tiện đối với con người mà còn hủy diệt đối với môi trường sống ở tất cả các nước thuộc địa, phụ thuộc.

Ở phạm vi khu vực (trong đó có Đông Dương) trong bài Nhân đạo thực dân, đăng trên báo Le Paria, số 6-7, ngày 1/9 và 1/10/1922, Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ rõ: “Chuyện xảy ra ở Đông Dương và cũng chưa lâu hơn cái hồi có cuộc chiến tranh nhờ trời ban cho vì công lý và nhân quyền. Chính bằng những cách ấy mà “chính quyền Pháp đã có thể du nhập vào đầu óc nhân dân các nước cái khái niệm có một nền văn minh khác với nền văn minh Trung Quốc đã ngưng trệ từ mấy thế kỷ nay rồi”. Chính bằng những cách ấy mà các tòa án quân sự “đàn áp những phong trào nổi dậy để nêu gương nghiêm trị””.

Đối với Việt Nam, hệ lụy của nó vô cùng đau xót và được Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ trong nhiều bài nói, bài viết. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, đó là: “Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ và cả người Nêgrô lẫn người “Annamít” mặc nhiên trở lại “giống người bẩn thỉu”. Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, v.v. trước khi đưa họ đến Mácxây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. “Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!”, đó sao? ” khi thực dân Pháp hành hạ người lính An Nam.

Cũng nhân danh cái gọi là “nhân quyền kiểu Mỹ” mà đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp để xâm lược Việt Nam, dung dưỡng ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn đàn áp Phật giáo, vì vậy, trong bài Liên hợp quốc còn phải điều tra gì nữa? trên Báo Nhân Dân, số 3487, ngày 15/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày 7 tháng 10 vừa qua, các đại biểu Xâylan và 15 nước Á - Phi khác đòi Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp nhân quyền ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là khủng bố những người theo đạo Phật. Đề nghị đó của các nước Á - Phi là một việc làm chính nghĩa. Nhân dân Việt Nam rất cảm ơn. Nếu Liên hợp quốc bàn việc đó, thì tội ác của tớ Diệm cũng như của thầy Mỹ lại bị phơi ra trước thiên hạ. Vì vậy đế quốc Mỹ giật dây Liên hợp quốc gửi một đoàn sang miền Nam Việt Nam để “điều tra”. Liên hợp quốc làm như thế là trái với Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, là một việc vô lối”.

Và đế quốc Mỹ là nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất đối với thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam. Để minh chứng cho nhận định này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tội ác Mỹ tàn bạo hơn Hítle!” dài 20 trang vạch trần tội ác của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam ngay trong lời mở đầu: “Trong khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ chà đạp lên mọi đạo đức của con người và bất chấp sự phản đối đầy công phẫn của nhân dân các nước trên thế giới đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hóa học trên một quy mô không ngừng mở rộng ở miền Nam Việt Nam. Những hành động dã man đó đã gây cho nhân dân miền Nam Việt Nam biết bao tổn thất về người và của! Cần phải vạch trần những tội ác khủng khiếp đó trước dư luận nhân dân và lương tâm loài người tiến bộ”.

Quyền tự nhiên của con người

Trong khi bàn về nhân quyền của phương Tây, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: quyền con người là quyền tự nhiên của con người. Vì vậy, con người vừa mới sinh ra đã mặc nhiên có quyền đó, không ai có thể và không ai có quyền ban phát cho họ.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh quan niệm quyền của mỗi người gắn chặt và không tách rời với quyền của dân tộc, do đó Người đã đấu tranh đòi quyền con người cho cả dân tộc, quyền tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc. Không dừng lại ở đó, Người đã đòi quyền cho tất cả các dân tộc đang bị áp bức bóc lột trên thế giới. Đây là sự phát triển, khái quát cao, đem lại những nội dung mới về quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh thời đại mới. Điều này đã được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam do Người trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, Người khẳng định một chân lý của thời đại mới, đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, từ những quyền cơ bản của con người được mở rộng thành quyền dân tộc và gắn chặt quyền con người với độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc là một cống hiến lý luận của Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

Vấn đề nhân quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền của phương Tây đã, đang và sẽ là kim chỉ nam, là cơ sở rất quan trọng cho việc vạch trần và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị luôn cổ xúy cho “nhân quyền” theo “tiêu chuẩn kép” của phương Tây dù chúng tìm mọi cách che đậy bản chất xấu xa và lợi dụng vấn đề “nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam trong chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ của chúng.