Ưu tiên tuyển sinh nhóm ngành khoa học đặc thù

Nhìn lại mùa tuyển sinh đại học năm 2022, mức điểm chuẩn nhóm ngành khoa học cơ bản đặc thù vẫn “giẫm chân tại chỗ”, gặp khó khăn trong việc thu hút người học.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngành nghề thiết yếu đang khó tuyển nhân lực. Ảnh: THANH NHUNG
Nhiều ngành nghề thiết yếu đang khó tuyển nhân lực. Ảnh: THANH NHUNG

Chưa thấu hiểu đặc thù nghề nghiệp

Kỳ tuyển sinh năm 2022, bên cạnh các ngành báo chí, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, sư phạm và khối các ngành kinh tế, logistics, công nghệ thông tin vẫn có sức hút với đông đảo thí sinh khi điểm chuẩn lấy từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2022 gần “chạm trần” thì các nhóm ngành khoa học cơ bản đặc thù của nhiều trường vẫn nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp nhất. Nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, môi trường... có điểm chuẩn “chạm sàn”, chỉ khoảng 15 điểm/ba môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.

Đơn cử, Trường đại học Tài nguyên và Môi trường có đến 9/23 chuyên ngành có điểm chuẩn ở mức 15. Đáng chú ý, đây đều là những ngành vốn được xem là thế mạnh đào tạo của nhà trường. Chẳng hạn như ngành: quản lý biển, khí tượng - thủy văn, thủy văn học... Hay tại Trường đại học Mỏ - Địa chất, một số ngành đào tạo chủ chốt, có truyền thống của nhà trường như: kỹ thuật trắc địa - bản đồ, địa kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật địa chất, quản lý đất đai, địa chất học… có điểm chuẩn chỉ đạt mức từ 15 điểm, thấp hơn 8 điểm so với điểm chuẩn ngành có đầu vào cao nhất.

Điểm chuẩn của Trường đại học Thủy lợi năm nay theo xu hướng chung các ngành đều tăng. Nhưng điểm chuẩn những ngành khoa học đặc thù phục vụ cơ sở hạ tầng cho đất nước ở mức thấp nhất của trường như Kỹ thuật cấp thoát nước (17 điểm); Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (17,35 điểm); Kỹ thuật tài nguyên nước (17,35 điểm), thấp hơn khoảng 9 điểm so với ngành cao nhất của trường. Trường đại học Giao thông vận tải có ngành kỹ thuật môi trường phục vụ công trình giao thông và phương tiện giao thông những năm gần đây chỉ tuyển được 75 - 80% so với chỉ tiêu đặt ra.

Tương tự, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Xây dựng Hà Nội... cũng có nhiều ngành lấy ở mức 15-16 điểm (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút người học.

Trường đại học Công đoàn Hà Nội có một số ngành như quan hệ lao động, bảo hộ lao động là những ngành có nhu cầu lớn, dễ dàng tìm việc nhưng lại khó tuyển sinh. Điểm chuẩn của những ngành này cũng không cao. Trong hai năm 2019 và 2020, ngành quan hệ lao động, bảo hộ lao động cùng lấy 14,5 điểm. Năm 2021, điểm trúng tuyển của ngành quan hệ lao động chỉ 15,1 điểm.

Là trường có truyền thống đào tạo về khoa học tự nhiên, bên cạnh một số ngành có điểm chuẩn cao, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn có một số ngành học gặp báo động đỏ về tuyển sinh đầu vào như ngành khoa học trái đất, môi trường, địa chất, khí tượng - thủy văn... Tương tự, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có những ngành như khoa học môi trường, hải dương học, địa chất học, kỹ thuật địa chất… chỉ tuyển được khoảng 20 - 40% chỉ tiêu. Trong đó, có ngành số lượng nhập học “đếm trên đầu ngón tay”.

Những trường đào tạo lĩnh vực nông nghiệp cũng thường trực nỗi lo khó tuyển sinh. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhóm ngành như trồng trọt và bảo vệ thực vật, quản lý đất đai và bất động sản, thủy sản, xã hội học lấy điểm chuẩn thấp nhất 15, tương đương với mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2021.

Trường đại học Nông - Lâm Bắc Giang có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư nông - lâm cho các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Các ngành thế mạnh của trường là chăn nuôi, thú y, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, quản lý tài nguyên rừng… Các ngành này vẫn nhận được hỗ trợ, đầu tư thường xuyên từ các doanh nghiệp, cam kết hỗ trợ việc làm với mức lương ổn định sau khi sinh viên ra trường nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. Đối với Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp đang dần thu hút người học, nhưng việc tuyển sinh ngành lâm nghiệp vẫn gặp khó khăn. Nhiều năm qua, số lượng tuyển sinh của ngành lâm nghiệp luôn ở mức thấp so với nhu cầu đào tạo, trung bình mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 12% chỉ tiêu (khoảng 15-16 sinh viên so với 120-130 chỉ tiêu).

Lý giải về việc điểm chuẩn của các ngành khoa học cơ bản đặc thù vẫn “giẫm chân tại chỗ”, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, do chạy theo thị hiếu “đám đông”, nhiều thí sinh và phụ huynh lựa chọn những ngành được nhiều người lựa chọn. Trong khi, cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc lại chưa sát khiến những ngành này không được ưa chuộng. Bên cạnh đó, phụ huynh, thí sinh cũng quan tâm đến những ngành nghề có cơ hội nghề nghiệp rộng mở thay vì bó hẹp ở một lĩnh vực nhất định. Giới trẻ ngày nay nhìn nhận về nghề nghiệp khác so với trước đây. Thí sinh đã thực tế hơn nên xu hướng các em lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngành khoa học cơ bản học vất vả hơn, nhưng ra trường lại khó xin việc và thu nhập thường ở mức thấp.

Các trường đẩy mạnh chất lượng đào tạo

Đối với các ngành khoa học cơ bản, năm 2022, lần đầu Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình học bổng để thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học. Các gói học bổng được triển khai cho sinh viên 18 ngành thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tương tự, tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dành 5,2 tỷ đồng hỗ trợ các thí sinh trúng tuyển thuộc chín ngành học; Trường đại học Khoa học tự nhiên dành hai tỷ đồng cấp học bổng cho thí sinh trúng tuyển vào các ngành: vật lý học, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, địa chất học, kỹ thuật địa chất, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường.

Dù không tuyển đủ sinh viên, nhưng một số trường thuộc khối nông - lâm thậm chí còn đẩy mạnh hơn chất lượng đào tạo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, cử đi học tập và nghiên cứu ở các nước hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp. Trường đại học Nông - Lâm Bắc Giang chọn hướng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Trong 12 tháng, cam kết tìm việc làm cho 100% SV tốt nghiệp; học bổng 100% cho ngành khoa học cây trồng, chăn nuôi, công nghệ thực phẩm; cử SV đi thực tập, làm việc tại các nước có nền nông nghiệp phát triển…

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, đào tạo chưa thật sự gắn với nhu cầu thị trường lao động là một vấn đề “nóng” hiện nay. Nguyên nhân được chỉ ra là vì dự báo cung cầu của chúng ta rất hạn chế. Bộ trưởng cho rằng, nếu không sớm xây dựng đề án dự báo cung cầu lao động cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thì thị trường lao động sẽ tiếp tục phát triển không đồng bộ.

Vậy làm thế nào để đào tạo không khác quá xa so với thực tế? Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu quan điểm: “Chúng ta không hy vọng dự báo nhu cầu nhân lực trung hạn hay dài hạn vì chính doanh nghiệp còn không thể biết chắc chắn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ nên đưa ra cơ cấu trình độ nhân lực, thí dụ trong giai đoạn sắp tới cần bao nhiêu lao động trình độ đại học, bao nhiêu cao đẳng và trung cấp. Ngoài ra, dựa vào chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia để dự báo ngành nghề nào sẽ là xu hướng”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến hướng đến việc phải định hướng nghề nghiệp từ sớm. Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 10, bên cạnh các môn học bắt buộc, còn phải lựa chọn 4/9 môn tự chọn. Theo đó, học sinh và phụ huynh phải chọn lựa và phân luồng môn học ngay khi hết cấp THCS. Thực tế, nếu phụ huynh xem nhẹ việc định hướng sớm cho con sẽ dẫn đến lúng túng khi không biết chọn môn học nào trong các môn học tự chọn ngay khi bước vào lớp 10, kéo theo những sai lầm nghiêm trọng trong việc chọn ngành nghề và chọn trường đại học trong tương lai. Chính vì vậy, phụ huynh và học sinh cần cân nhắc dựa trên năng lực và sở thích của con để chọn lựa tổ hợp môn và ngành nghề con dự định theo đuổi.