Thúc đẩy hỗ trợ trẻ em
UNICEF cho biết, trong tháng 2 năm nay, các nhà tài trợ đã cung cấp 4,9 triệu USD để phòng ngừa, giảm nhẹ và ứng phó bệnh tả và suy dinh dưỡng, cung cấp nước sạch và các điều kiện vệ sinh, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ giáo dục, tiêm chủng, chống bóc lột và lạm dụng tình dục cũng như hỗ trợ cộng đồng ở Somalia. Trong một báo cáo được công bố tại Thủ đô Mogadishu của Somalia, UNICEF nêu rõ do sự cạnh tranh về các nguồn lực nhân đạo tăng nhanh trên toàn cầu, các cuộc thảo luận sâu hơn đang được tiến hành nhằm cải thiện những phương pháp gây quỹ và tăng cường các biện pháp can thiệp có chi phí thấp, hiệu quả cao và sáng kiến về xây dựng khả năng phục hồi.
Theo UNICEF, trẻ em ở Somalia đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, bao gồm lũ quét và lũ ven sông, trong giai đoạn đầu mùa mưa năm 2024 (từ tháng 3 đến đầu tháng 4), khi ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino được dự đoán sẽ còn kéo dài. Những trận mưa lớn gây ra các trận lũ lụt tàn khốc vào cuối năm 2023 đã kết thúc nhưng đang để lại những tác động rất lớn với 2,4 triệu người bị ảnh hưởng, 1 triệu người phải di dời và mùa màng bị phá hủy hoàn toàn dọc hai con sông lớn Juba và Shabelle. Để hỗ trợ những trẻ em Somalia dễ bị tổn thương trong các trận lũ lụt, UNICEF đang tăng cường các quan hệ đối tác với các nhà tài trợ hiện có trong khu vực công, đồng thời lên kế hoạch cho những cuộc hợp tác mới với khu vực tư nhân.
Tình trạng suy dinh dưỡng vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với trẻ em Somalia. Theo UNICEF, có 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi dự báo bị suy dinh dưỡng cấp tính năm 2024, trong đó có 430.000 trẻ em rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng do không đủ khả năng tiếp cận y tế và dinh dưỡng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo cần huy động 342,2 triệu USD tiền tài trợ cho tất cả hoạt động trong sáu tháng tới để mở rộng quy mô ứng phó nhân đạo ở Somalia.
Cam kết ưu tiên giảm nghèo
Chính phủ Somalia cam kết ưu tiên giảm nghèo bằng cách đầu tư vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng cơ bản. Bộ trưởng Tài chính Somalia, ông Samalia Bihi Egeh bày tỏ vui mừng trước quyết định của Câu lạc bộ Paris về xóa nợ cho quốc gia Đông Phi, nhấn mạnh điều này sẽ thay đổi tương lai của Somalia và cho phép chính phủ nước này cung cấp tài chính cho các dịch vụ công cơ bản. Giữa tháng 3 vừa qua, Câu lạc bộ Paris gồm các quốc gia chủ nợ như Mỹ, Nhật Bản và Nga đã xóa 99% số nợ - tương đương 2 tỷ USD, cho Somalia. Trong một tuyên bố được đưa ra, Câu lạc bộ Paris cho biết, đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Somalia để tái gia nhập hệ thống tài chính quốc tế. Somalia bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong hơn ba thập kỷ sau nhiều năm nội chiến và các mối đe dọa vũ trang khác.
Quốc gia vùng Sừng châu Phi này cũng đã đủ điều kiện nhận hơn 4,5 tỷ USD tiền giảm nợ từ tất cả chủ nợ sau khi kết thúc sáng kiến xóa nợ do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) giám sát vào tháng 12/2023. Việc đạt được mức giảm nợ hoàn toàn 4,5 tỷ USD sẽ cắt giảm nợ nước ngoài của Somalia từ 64% GDP năm 2018 xuống chỉ còn 6% GDP.
Tuy nhiên, Somalia còn một “núi” công việc phải làm để khôi phục hoàn toàn lòng tin của các tổ chức tài chính quốc tế, trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu vẫn bủa vây quốc gia Đông phi này. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính đến tháng 1/2024, hạn hán, lũ lụt và xung đột tại Somalia đã khiến hơn 3,45 triệu người phải sơ tán trong nước. Somalia trải qua nhiều cuộc xung đột, bạo lực và thiên tai kể từ khi nội chiến bùng phát năm 1991. IOM cho rằng, thực trạng này khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên khắp Somalia cũng như sơ tán sang các nước láng giềng.