Ứng phó với biến động của giá xăng, dầu

Giá dầu thời gian tới được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Điều này tác động mạnh đến giá xăng, dầu trong nước. Bởi vậy, để kìm chế lạm phát những tháng cuối năm - cao điểm sản xuất, không chỉ cơ quan quản lý cần tiếp tục kìm giá xăng, dầu, mà bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị…
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng. Ảnh: HẢI NAM
Các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng. Ảnh: HẢI NAM

Giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, dự báo từ các chuyên gia quốc tế cho thấy, giá dầu có thể giảm về vùng 60-70 USD/thùng, tuy nhiên, lúc này các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá. Do đó, mốc giao dịch được dự báo ở ngưỡng 60-90 USD/thùng trong quý IV năm nay.

“Còn với kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh (đánh giá của Ngân hàng Mỹ (BoA) và Morgan Stanley)”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) thông tin.

Do vậy, giá dầu còn tác động mạnh tới kinh tế nước ta vào những tháng cuối năm. Bởi thực tế, từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Tuấn Anh cho biết, nếu kịch bản tiêu cực xảy ra, tác động từ giá xăng, dầu sẽ cản trở phát triển kinh tế, gây áp lực lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát; khiến chi phí sản xuất tăng cao; gây khó khăn cho xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Những ngành bị tác động nhiều nhất là khai thác thủy sản (chi phí xăng, dầu chiếm tới 76,73% tổng chi phí sản xuất); hoạt động vận tải (chiếm 63,36%); khai thác than (chiếm 45,18%)... Thực tế, bình quân tám tháng đầu năm 2022, giá xăng, dầu trong nước tăng 45,33% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm. “Nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng, dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng, dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44-2,7%”, ông Lê Tuấn Anh nói.

Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản… đang chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3-5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào… “Qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp, mặc dù có sự gia tăng về doanh thu, mức độ tăng các chi phí của doanh nghiệp trong quý II/2022 so quý liền kề và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so mức tăng doanh thu quý II/2022”, theo ông Tuấn Anh.

Ứng phó với biến động của giá xăng, dầu ảnh 1

Giá cước vận tải bị ảnh hưởng nhiều từ giá xăng dầu. Ảnh: NAM ANH

Ứng phó ra sao?

Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm tỷ trọng từ 40-45% trong cơ cấu giá thành vận tải, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế và chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Do đó, cần có biện pháp đủ mạnh, bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng là điều hòa kinh tế vĩ mô của đất nước.

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, giá dầu đã tạo nên một sức ép lớn cho ngành logistics nói chung và ngành hàng hải nói riêng. Trong khi, không thể cứ giá dầu tăng là có thể áp tăng giá logistics, bởi thực tế trong logistics thường có những hợp đồng ràng buộc giá dài hạn. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh các phương án làm sao để không tăng giá quá nhiều so hợp đồng đã cam kết.

“Hiện, các doanh nghiệp logistics đang nỗ lực điều chỉnh phương án cung cấp dịch vụ, tìm ra cách thức giảm các chi phí khác, như mở rộng thêm các tuyến đường, tăng việc sử dụng hàm lượng công nghệ trong chuỗi logistics, hay là tính toán phương án giảm thời gian phải chờ đợi…”, ông Trung nói.

TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) kiến nghị, cần tính toán dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng, dầu hiện nay. “Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước...”.

Còn theo ông Lê Tuấn Anh, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt. Song, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu nhằm giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh, hạn chế thất thoát; ngoài ra, cần đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.

Chia sẻ từ góc nhìn của cơ quan lập pháp về xu hướng giá dầu tăng, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH chia sẻ: Để tránh lệ thuộc vào diễn biến quốc tế, cần tích cực phát triển hoạt động dầu khí ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, do đó cần quan tâm đến thông lệ quốc tế. Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí - hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác”.

Theo ông Hiếu, bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết. Thí dụ, để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiểu theo nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Do đó, các quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành, tránh xung đột về pháp lý.