Ứng dụng AI vào điều trị nọc độc rắn

Một tổ chức từ thiện tại Nam Sudan đang thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc nhận dạng các loài rắn, giúp quá trình điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn thuận tiện và chính xác hơn.
Một y tá bệnh viện MSF đang điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ảnh: CHRISTINA SIMONS/MSF
Một y tá bệnh viện MSF đang điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ảnh: CHRISTINA SIMONS/MSF

Hằng năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 5,4 triệu người bị rắn độc cắn, trong đó có 2,7 triệu ca chuyển nặng và 138 nghìn ca tử vong. Theo ông David Williams, chuyên gia của WHO, hiện nay biến đổi khí hậu cùng lũ lụt đang làm gia tăng đáng kể số ca bị rắn cắn ở Nam Sudan, Bangladesh, Nigeria, Pakistan và Myanmar.

Việc xác định đúng loài rắn được coi là tối quan trọng trong quá trình điều trị. Tiến sĩ Gabriel Alcoba, Cố vấn y khoa của tổ chức từ thiện y tế Médecins Sans Frontières (MSF) tại Nam Sudan, cho biết việc xác định sai loại rắn không chỉ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, mà còn làm lãng phí các loại huyết thanh hiếm và đắt đỏ, thường tương đương một tháng đến một năm thu nhập của người dân nơi đây. “Chúng tôi từng phải sử dụng album và lật từng bức ảnh để xác định chính xác loài rắn đã cắn bệnh nhân”, ông Gabriel chia sẻ.

Để việc điều trị rắn cắn thêm dễ dàng, MSF đang thử nghiệm công nghệ AI giúp phân biệt các loài rắn độc. Phần mềm này có cơ sở dữ liệu gồm 380 nghìn hình ảnh các loại rắn, giúp nhận dạng nhanh chóng và chính xác, bảo đảm bác sĩ sử dụng đúng huyết thanh giải độc. Khi bệnh nhân bị rắn cắn, bác sĩ khuyến khích chụp lại hoặc nhờ nhân viên y tế ghi hình hiện trường cẩn thận. Những bức ảnh này sẽ được đưa vào phần mềm AI để xác định loại rắn và phương pháp điều trị cần thiết ngay từ khi bệnh nhân chưa đến bệnh viện.

Ông Gabriel chia sẻ: “Kết quả ban đầu rất khả quan. AI đôi lúc còn chính xác hơn cả các chuyên gia”. Hiện ứng dụng được thử nghiệm tại hai bệnh viện của MSF, nơi có nhiều ca bị rắn độc cắn. Từ tháng 1 đến cuối tháng 7, có hơn 300 bệnh nhân bị rắn cắn được điều trị thành công nhờ phần mềm tại các cơ sở y tế của MSF ở Nam Sudan. Ông Gabriel tin rằng, ứng dụng này sẽ còn phát triển và tăng độ chính xác trong tương lai khi được cập nhật hình ảnh chất lượng cao và nhận thêm tài trợ nghiên cứu.