Tục trao mũ nồi của người dân tộc H’Mông

NDO - Phong tục người cha trao mũ nồi cho con gái trước khi về nhà chồng là một nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người H’Mông.
Chiếc mũ nồi không thể thiếu trong bộ trang phục nam truyền thống của người H’Mông.
Chiếc mũ nồi không thể thiếu trong bộ trang phục nam truyền thống của người H’Mông.

Cùng với đôi giày vải thì chiếc mũ nồi là một phần trang phục nam truyền thống không thể thiếu của người dân tộc H’Mông, tạo cho đàn ông H’Mông một sắc thái riêng. Đặc biệt, phong tục người cha trao mũ nồi cho con gái trước khi về nhà chồng là một nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Mũ nồi nam giới được người phụ nữ H’Mông làm rất cầu kỳ, dệt bằng vải thổ cẩm dày, cắt ghép khéo léo tặng cho người đàn ông mà mình yêu thương. Mũ nồi rất gọn nhẹ, linh hoạt khi vui chơi, di chuyển và lao động sản xuất. Khi đội mũ nồi, người đàn ông H’Mông thường đội hơi lệch về một bên, tôn lên phong cách. Do được thiết kế rất kỹ càng cho nên những lúc thổi khèn, chơi quay, phi ngựa, chiếc mũ nồi vẫn bám chắc trên đầu mà không bị rơi ra. Ngoài tính thẩm mỹ thì mũ nồi còn phù hợp điều kiện trời rét nơi vùng cao phía bắc nước ta.

Điểm đặc biệt của chiếc mũ ở chỗ, đây sẽ là món hồi môn ý nghĩa nhất của người cha cho cô con gái khi về nhà chồng, bên cạnh món hồi môn khác là chiếc váy đẹp nhất của người mẹ. Trước khi dẫn dâu, người cha mang chiếc mũ nồi do vợ mình làm đưa lên bàn thờ thắp mấy nén nhang làm lễ rồi trao cho cô con gái. Ý nghĩa của việc trao chiếc mũ nồi là người cha mong muốn con về nhà chồng rồi nhưng vẫn phải nhớ tổ tiên dòng họ mình, không bao giờ được phép quên.

Gửi mũ nồi cho con gái, người cha cũng nhắn nhủ nhiều điều, như trao niềm tin, sức mạnh cho con gái. Cô con gái về nhà chồng còn bỡ ngỡ, chiếc mũ nồi của người cha làm cho con gái đỡ nhớ nhà hơn vì thấy bóng dáng người thân luôn ở bên cạnh mình. Người con gái mang mũ về cất trong hòm chứ không lấy ra sử dụng. Chỉ đến khi người cha mất, cô con gái mới lấy mũ nồi ra đội một lần duy nhất trong đám tang, được thầy làm lễ. Sau đó, cô gái sẽ cất chiếc mũ đi, như một kỷ vật để tưởng nhớ đến người cha.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đồng bào dân tộc H’Mông dù cư trú ở vùng miền nào, vẫn luôn chú tâm kế thừa, lưu giữ các phong tục truyền thống. Giữa nhịp sống hiện đại, việc đội mũ nồi và phong tục trao mũ nồi cho con gái về nhà chồng tiếp tục được giữ gìn, như điểm nhấn tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa của người H’Mông.