KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)

Từ tình cảm yêu mến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông Choi Chang Chun (Choi Chang Joon), năm nay 79 tuổi, sống ở thành phố Qwangju (Hàn Quốc) là một người có tình cảm yêu mến Việt Nam và đặc biệt rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc tuyên truyền và quảng bá Hồ Chí Minh ở Hàn Quốc và cả Việt Nam, trong đó có việc tổ chức cho các nhà thư pháp Hàn Quốc thể hiện thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm thư pháp Hàn Quốc thể hiện thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH ĐỨC
Triển lãm thư pháp Hàn Quốc thể hiện thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH ĐỨC

“Nhật ký trong tù” là tập thơ nổi tiếng của Bác Hồ. Ngay sau khi xuất bản năm 1960, tập thơ đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc trong và ngoài nước. Hơn 60 năm qua, “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tạo thông qua nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau...

Từ năm 2000, tập thơ đã được nhà nghiên cứu Hàn Quốc, Giáo sư Kim Sang In dịch 100 bài ra tiếng Hàn. Năm 2003, Giáo sư An Kiông Hoan (Ahn Kyong-hwan) dịch đủ 134 bài, xuất bản và giới thiệu với bạn đọc Hàn Quốc. Xúc động và cảm phục bởi những giá trị văn hóa từ những vần thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà thư pháp Hàn Quốc đã cùng nhau sáng tác và đã tổ chức triển lãm ở một số thành phố lớn của Hàn Quốc và Việt Nam.

Ngày 9/4/2012, Viện Bảo tàng của Trường đại học Tổng hợp Xunchơn (Suncheon) thuộc tỉnh Nam Chêôla (Jeolla) đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Triển lãm thư pháp về tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Người và 22 năm Ngày Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) vinh danh “Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” của thế giới. Triển lãm có sự đóng góp của 45 tác phẩm do 23 nhà thư pháp đến từ tỉnh Quangchu (Gwangju) và Nam Chêôla (Jeolla) thực hiện.

Tham dự buổi lễ có Phó Thị trưởng thành phố Xunchơn Xêô Bốc Nam (Seo Bok-nam); Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Xunchơn Xông Yông Mu (Song Yeong-moo); Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Mỹ thuật Hàn - Việt (Trưởng ban Tổ chức triển lãm) Tiến sĩ Choi Chang Chun (Choi Chang-joon); Giám đốc Viện Bảo tàng trường đại học Xunchơn Cang Xung Hô (Kang Sung-ho); Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn; Giáo sư Lịch sử và Văn hóa Việt Nam Yu In Xơn (Yoo In-seon), cùng các nhà thư pháp Hàn Quốc có các tác phẩm trưng bày. Triển lãm còn thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam đang theo học chuyên ngành lịch sử và phúc lợi xã hội của Trường đại học Xunchơn cùng nhiều người dân tỉnh Nam Chêôla và các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn.

Đây là lần thứ ba triển lãm thư pháp về tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức. Lần đầu tiên, triển lãm gồm 71 bức thư pháp của 30 tác giả Hàn Quốc được tổ chức tại bảy thành phố của Việt Nam và Hàn Quốc vào năm 2005 như Mokpo, Gwangju, Seoul, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Vinh. Năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm gồm 50 tác phẩm của 25 nhà thư pháp Hàn Quốc được tổ chức tại chín thành phố của Hàn Quốc và bốn thành phố của Việt Nam như: Naju, Gwangju, Jeonju, Seoul, Busan, Jeju, Soncheon, Daejeon, Mokpo, Hà Nội, Huế, Vinh, TP Hồ Chí Minh. Lần thứ ba này, triển lãm có 45 bức thư pháp do 23 tác giả Hàn Quốc thực hiện được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 4/2012. Tất cả các tác phẩm tham gia triển lãm đã được tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản và trưng bày.

Điều đáng nói là bốn lần tổ chức triển lãm thư pháp về tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hàn Quốc và Việt Nam trong vòng ba năm (tháng 5/2005, tháng 5/2010, tháng 4 và tháng 12/2012), đều do TS Choi Chang Chun, Chủ tịch Hiệp hội giao lưu Mỹ thuật Hàn - Việt thực hiện. Với tư cách Trưởng ban Tổ chức triển lãm, ông là người lo từ việc lên ý tưởng, lập chương trình, mời các nhà thư pháp sáng tác, vận động tài trợ kinh phí, làm việc với các đối tác Hàn Quốc và Việt Nam để thực hiện triển lãm, cho đến việc tổ chức đoàn sang Việt Nam…

Ông Choi Chang Chun là Tiến sĩ danh dự về Văn học, sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ là tiếng Nhật và tiếng Anh. Khoảng 30 năm trở lại đây, cơ duyên đã đưa ông tới Việt Nam và ông trở nên gắn bó với mảnh đất, con người Việt Nam. Cả hai ông bà đều đã được nhận Kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Tôi gặp ông lần đầu năm 2005 khi ông đến Bảo tàng Hồ Chí Minh nêu ý tưởng phối hợp tổ chức triển lãm thư pháp chữ Hàn và chữ Hán thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Tình và tôi là Phó Giám đốc đã nhiệt tình ủng hộ sáng kiến của ông. Từ đó đến nay, ông đã có 168 lần sang Việt Nam. Mỗi lần đến Việt Nam ông đều tiến hành các việc làm thiết thực ủng hộ cho mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc thêm gắn bó: khi thì dành thời gian nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, khi thì bàn với Bảo tàng Hồ Chí Minh các giải pháp phát huy tác dụng các bức thư pháp, khi gặp gỡ các người bạn cũ, khi giúp đỡ một cháu sinh viên Việt Nam sang Hàn Quốc học tập, có khi chỉ là một chuyến nghỉ ngơi…

Hiện nay ông đang ấp ủ và từng bước triển khai hai việc. Một là tài trợ để Giáo sư Kim Chang In dịch và xuất bản đủ 134 bài thơ trong “Nhật ký trong tù”, hai là vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh chuyển ngữ một tác phẩm do Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn sang tiếng Hàn, để xuất bản và phát hành ở Hàn Quốc. Có lần ông đã tâm sự với tôi về ba phương châm sống của ông: một là không mất niềm tin ở những người chung quanh; hai là sống giản dị, bình thường và ba là luôn cố gắng vươn lên. Tôi tin việc làm lần này của ông sẽ thành công, vì tôi biết rằng cũng sẽ như mọi lần, để vận động mọi người ủng hộ, ông và gia đình luôn đi đầu cả về tài trợ kinh phí lẫn vai trò tổ chức.