BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Tủ sách Hy Vọng và 29 “vệ tinh” của Cừ

Đến thăm Không gian đọc Hy Vọng ở Thái Bình, chắc chắn độc giả sẽ rất bất ngờ bởi người thủ thư là chàng trai khuyết tật nặng - Đỗ Hà Cừ (sinh năm 1984) nằm gọn ghẽ trên xe lăn. Đến nay, sau 8 năm hoạt động, Không gian đọc Hy Vọng đã đón hàng chục nghìn lượt bạn đọc và hỗ trợ thành lập 29 không gian đọc trên cả nước đều do người khuyết tật quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ đến trao tặng sách cho Không gian đọc Hy Vọng của anh Cừ (nằm trên xe lăn).
Các bạn trẻ đến trao tặng sách cho Không gian đọc Hy Vọng của anh Cừ (nằm trên xe lăn).

Thủ thư chưa một ngày đến trường

Mới đây, trên Facebook cá nhân của Đỗ Hà Cừ, tôi thấy Cừ tích cực vận động nhà hảo tâm ủng hộ sách để chuẩn bị khai trương Không gian đọc Hải Âu ở Bến Tre, đây đã là tủ sách thứ 29 do Cừ hỗ trợ thành lập.

Không gian đọc Hy Vọng ra đời năm 2015 nằm tại nhà anh Đỗ Hà Cừ ở tổ 19, phường Trần Lãm, TP Thái Bình. Anh Cừ bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố nên ngay khi mới sinh ra đã nằm liệt một chỗ, chân tay co quắp, giọng nói méo mó, chỉ có một ngón tay trỏ cử động được. Mọi sinh hoạt đến vệ sinh cá nhân đều phải có người giúp đỡ.

Do khuyết tật nặng nên Cừ không thể đến trường. Nhưng anh rất khao khát học chữ. Trong một lần thấy các bạn khiếm thị còn cố gắng để học chữ nổi trên truyền hình, Cừ tự hỏi, “mình có đôi mắt sáng tại sao lại không học chữ”. Thế là năm 10 tuổi, Cừ nằng nặc đòi mẹ dạy chữ.

Chia sẻ về việc dạy chữ cho Cừ, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Kim Sơn cho biết: Cừ không cầm bút viết được nên dạy Cừ học chữ rất khó. Ban đầu, tôi cho Cừ học thuộc các bài thơ, đặc biệt thơ của Tố Hữu có vần, từ nọ gọi từ kia ra. Mỗi ngày, tôi viết cho Cừ vài chữ rồi treo bảng trước mặt cho Cừ nhớ. Ròng rã phải hai năm, Cừ mới có thể đọc được. Em trai học lớp nào thì cho Cừ nằm bên cạnh học lỏm, em đọc sách nào thì anh đọc sách ấy.

Cứ thế, tình yêu với sách của Cừ được bồi đắp từng ngày. Anh bắt đầu không nghĩ đến chuyện tự tử nữa, cũng chẳng than thân trách phận mà hài lòng, lạc quan với thân hình không lành lặn. Tình yêu lớn dần, Cừ bỗng trở thành “con mọt” sách, đọc hết sách của em trai rồi đọc sách mượn của hàng xóm với tất cả các thể loại như văn học, khoa học, tiểu thuyết, sách thiếu nhi...

Đọc sách mãi cũng hết sách để đọc. Có người bạn khuyên Cừ nên mở một không gian đọc miễn phí để không chỉ có nhiều sách mà còn kết nối được nhiều bạn đọc, lan tỏa văn hóa đọc. Từ ý tưởng đó, Cừ đã liên hệ với anh Trần Thiện Tùng và chị Dương Lệ Nga, hai người bạn đã giúp đỡ anh rất nhiều để cho ra đời không gian đọc.

Cừ kết nối với thế giới bên ngoài bằng bộ máy tính được bố mẹ sắm cho. Chỉ bằng một ngón trỏ yếu ớt, Cừ kỳ cạch viết từng email thâu đêm suốt sáng, gửi đến bất cứ địa chỉ nào có thể xin sách. Không ngờ, rất nhiều người đã hồi âm và gửi các thùng sách về cho Cừ. Mẹ Cừ cùng các tình nguyện viên đã làm tủ sách, kê thêm bàn ghế, trang bị sổ mượn sách để chuẩn bị cho ngày khai trương. Không gian đọc Hy Vọng ra đời trong niềm vui hân hoan của Cừ, gia đình và cả khu phố với khoảng hơn 300 đầu sách đầu tiên, do anh Cừ làm “thủ thư”.

Không gian đọc Hy Vọng nhanh chóng có nhiều độc giả đến mượn và đọc sách. Nhộn nhịp nhất là vào các ngày cuối tuần, đối tượng chủ yếu là học sinh. Đến đây, các em học sinh không những được đọc những cuốn sách yêu thích mà còn được trò chuyện với người thủ thư vô cùng vui tính, đáng yêu và giàu nghị lực. Hiện nay, Không gian đọc Hy Vọng có khoảng 4.000 đầu sách cho độc giả mượn đọc thường xuyên, 4.000 đầu sách trên kệ và gần 1.000 bạn đọc đăng ký mượn sách.

Nói về tình yêu với sách, anh Đỗ Hà Cừ chia sẻ: “Tôi là người rất yêu sách, những cuốn sách là người thầy đầu tiên của tôi. Sách giúp tôi bổ sung kiến thức hằng ngày như cơm ăn áo mặc. Tình yêu sách nhen nhóm trong tôi ngay từ khi còn bé tí, thậm chí từ lúc tôi chưa biết chữ, tôi đã “bắt” mẹ mua truyện về đọc cho nghe. Ngày ấy, tivi, đài đều không có, chỉ có sách là công cụ để tôi hiểu biết về thế giới bên ngoài nên tôi yêu sách như người bạn tri kỷ”.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang, hàng xóm cũ của anh Cừ chia sẻ: “Tôi chơi với Cừ từ hồi bé và tôi đã cho Cừ mượn những cuốn sách đầu tiên để đọc. Tôi rất bất ngờ vì ngay từ khi đọc chữ chưa thạo nhưng Cừ rất yêu thích đọc sách, những cuốn sách hàng trăm trang Cừ chỉ đọc trong vài ngày”.

Đỗ Hà Cừ đã vinh dự được nhận: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020; Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2019 của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt 2020 của Hội LHTN Việt Nam; Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Nhân lên “những hy vọng”

Từ khi Không gian đọc Hy Vọng được thành lập, Cừ cảm thấy cuộc đời như bước sang một trang mới, tươi đẹp và ý nghĩa hơn. “Cuộc đời tôi đã như bước sang trang mới đầy hy vọng từ khi thành lập không gian đọc. Tôi là người khuyết tật nặng nên lập ra được một thư viện nho nhỏ là điều ngoài sức tưởng tượng của chính tôi. Tôi mong sẽ đóng góp một phần nhỏ bé để lan tỏa tình yêu sách trong xã hội. Biết đâu, có một em nhỏ nào đó ham đọc sách ở đây và sau này trở thành nhà văn thì sao?”, anh Cừ tâm sự.

Chẳng ngại ngần, Cừ “đặt vấn đề” với các bạn trẻ khuyết tật về ý tưởng mở không gian đọc. Những người khuyết tật họ có điểm chung là đều khát khao làm được điều gì đó có ích và không cam chịu giam mình mãi trong bốn bức tường.

Để bắt đầu, Cừ động viên để họ vượt qua “cửa ải” tự ti, mặc cảm đã đè nén mấy chục năm và dũng cảm thay đổi số phận thiệt thòi. Sau đó, Cừ nhờ các tình nguyện viên hoặc thủ thư trước, hướng dẫn họ kỹ năng viết email xin sách, quản lý tủ sách, truyền thông sách... và tiến đến buổi lễ khai trương.

Hiệu ứng lan tỏa, niềm tin khơi dậy. Những tủ sách hồng lần lượt ra đời mang những cái tên tràn đầy năng lượng do các bạn trẻ khuyết tật quản lý như: Niềm Tin, Ánh Sáng, Ước Mơ, Vươn Xa, Nơi dừng chân của bạn... nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố. Mỗi dịp khai trương thêm một không gian đọc, Cừ lại gửi khoảng 300 đầu sách đến làm quà chúc mừng và lại cùng mẹ lặn lội hàng trăm km tới dự. Đến nay, 29 không gian đọc đã được thành lập như 29 vệ tinh tỏa sáng xoay quanh vệ tinh “Hy Vọng”. Ngoài ra, Cừ còn tặng 4.000 cuốn sách cho các tủ sách lớp học của 22 trường trung học phổ thông ở Thái Bình năm 2018.

Anh Quách Văn Sơn, thủ thư Không gian đọc Nơi dừng chân của bạn ở Hòa Bình chia sẻ: Tôi bị liệt tứ chi sau một vụ tai nạn giao thông. Tưởng chừng như tôi sẽ trở thành một người vô dụng, sự buồn bã lúc đó khiến tôi chỉ nghĩ đến tự tử. Nhưng, tôi đã tìm đến những cuốn sách và thấy nhiều điều kỳ diệu trong sách. Tôi bắt đầu tìm lại được sự lạc quan và quyết định phải cố gắng để sống có ích cho xã hội. Được sự hỗ trợ của Cừ, tôi đã thành lập Không gian đọc sách - Nơi dừng chân của bạn vào ngày 30/4/2022. Hiện tủ sách của tôi có hơn 1.000 đầu sách và có hàng chục lượt bạn đọc mỗi ngày. Niềm vui và tình yêu cuộc sống của tôi đã trở lại.

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ mở các không gian đọc, Đỗ Hà Cừ còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi review, hùng biện về sách và chương trình Tết sách thường niên để truyền thông cho những cuốn sách hay. Cừ còn lì xì sách cho các bạn nhỏ tham gia sự kiện, tạo nên những đội nhóm yêu sách khắp mọi nơi. Ngoài ra Cừ còn có khả năng làm thơ rất hay, đến nay Cừ đã sáng tác hơn 100 bài thơ chủ yếu để tặng mẹ và gia đình.

Ước mơ của Cừ là tiếp tục hỗ trợ các bạn khuyết tật mở không gian đọc trên mọi miền Tổ quốc và tự tạo cho mình một việc làm có thu nhập để sau này tự lo cho cuộc sống khi ba mẹ tuổi đã xế chiều, xa hơn Cừ muốn trở thành một nhà thơ đem những vần thơ hay tặng bạn đọc.