Tự lực ở làng Gò Da

Làng Gò Da nhìn xuống miền xuôi qua tầng tầng lớp lớp mây trắng phủ quanh năm. Ngăn núi cách đèo, bao năm qua đồng bào Hrê vẫn sống trong ngôi làng “tự cung tự cấp”, cách biệt miền xuôi. Lớp người già là tấm gương sáng cho trai trẻ noi theo cùng giữ gìn nếp sống văn minh, chu toàn làng bản. Trên đỉnh núi Cà Tu, một làng bản đẹp từ ý chí xây dựng cuộc sống đến niềm tin vươn cao hơn cả núi rừng xa xôi.
0:00 / 0:00
0:00
Làng Gò Da trên đỉnh núi Cà Tu, nằm giữa các dãy núi Vang Vô, núi Tôm, núi Sim huyện Sơn Hà.
Làng Gò Da trên đỉnh núi Cà Tu, nằm giữa các dãy núi Vang Vô, núi Tôm, núi Sim huyện Sơn Hà.

Lầy lội đến Gò Da

Ngã ba UBND xã Sơn Ba là điểm bắt đầu đường vào làng Gò Da, ngôi làng biệt lập hoàn toàn với xã, huyện lỵ miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Rừng vào mùa mưa, con đường rộng hơn 7 m vẫn không làm những chiếc xe tải yên tâm đi thẳng vào làng. Chiếc ô-tô 7 chỗ lăn bánh qua vài đoạn dốc thoải, phía trước là con đường đất đỏ lẫn đá hộc lớn, nhỏ chồng lên nhau. Mưa những ngày trước khiến đường lún, lầy đậm đặc. Những chiếc xe tải chở keo từ rừng về xuôi chia đường nhỏ làm ba luống vết xe. Những luống đất đỏ bên sâu, bên nông theo vết xe khiến ô-tô lọt thỏm nghiêng hẳn. Dò đường đi từng đoạn, lo nhất là xe sẽ bị kẹt giữa những luống đất lầy, chỏng chơ không thể chạy. Gần một giờ đồng hồ “bò” qua đoạn đường gần 4 km, đến điểm dân cư Mang Bô, chiếc ô-tô chính thức dừng lại, nhường hành trình cho xe máy và đi bộ.

Thanh niên trẻ Đinh Văn Bay cùng đoàn xe máy anh em cả làng trên, thôn dưới Gò Da tập kết ở Mang Bô chờ đoàn khách từ sớm. Bay và bà con nghỉ hẳn ngày rẫy ở nhà đón khách. Ô-tô dừng ở đâu, anh em đón ở đấy. Làng vui mừng khi khách đến thăm.

Chiếc xe máy cà tàng của Bay xù xì, cũ kỹ. Cả chiếc xe không còn gì nguyên vẹn. Tay lái và đầu xe máy được kết nối bằng sợi dây cao-su quấn quanh nhiều lớp. Phần cổ và thân xe được nối nhau bởi hai thanh sắt ngang gắn xích. Lớp da yên xe bong ra và được may lại bằng những sợi cước dày chắc chắn. Hai bánh xe được quấn xích vòng quanh để bánh xe bám đường, chạy dốc núi không trượt con dốc hay lao trũng núi.

“Lên em chở chị đi. Xe này chứ chở được 9 thùng bia lận đấy. Em thồ được hai người, chị đừng lo cứ lên em chở”, Đinh Văn Bay dõng dạc thật thà trước ánh mắt e ngại và nhoẻn cười vì 9 thùng bia của mọi người.

Con đường không để cho người và xe bon bon suôn sẻ. Đường đất đỏ lẫn đá khiến cả người lẫn xe như ngựa phi. Thỉnh thoảng trượt đá, chiếc xe chao nghiêng. Được hơn cây số đường đá sỏi, xe dừng lại trước con dốc thẳng đứng. Dốc cao, đường trơn vết trượt lùi dài của xe lao dốc ngược, nguy hiểm cho người lẫn xe trên đường. Đi bộ là cách duy nhất trèo qua những dốc núi cao.

Cứ dăm tháng hoặc có việc cần, bác sĩ Đinh Thị Hợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cùng anh em y tế huyện lại bộ hành vào Gò Da. Con đường không lạ, không quen nhưng những con dốc, khúc cua nguy hiểm hay đường đá họ luôn thuộc lối. “Sáng sớm mang vác hành trang đi bộ thì khoảng ba tiếng đến làng. Khi về thì gần hai giờ, xuống dốc nên nhanh hơn. Đoạn đường đi xe, khúc thì đi bộ, cực nên thường anh em y tế hay đi bộ luôn cả tuyến đường núi. Quen rồi”, bác sĩ Hợi nhớ lại.

Đường vào làng Gò Da trên đỉnh núi Cà Tu, đi qua nhiều cung đèo, đường rừng của núi Vang Vô, núi Tôm, núi Sim bao năm qua vẫn lầy lội, cách trở. Ở thời hiện đại, cả thế giới trong chiếc smatphone cầm tay, nhưng với cán bộ miền núi xã Sơn Ba, thế giới núi rừng vẫn là hành trình đi bộ, trèo núi non khi vào làng.

Tự lực ở làng Gò Da ảnh 1

Bà con làng Gò Da tích cực lao động sản xuất.

Tự lực chăm lo

Trăm năm trước trên đỉnh núi Cà Tu, quanh làng bản là những đồi da, gò da. Giữa núi rừng, cây da mọc khắp nơi, từ đầu dốc đến cuối dốc, xen lẫn giữa các bản làng. Từ trên cao nhìn xuống núi Cà Tu, những gò da tươi tốt là nguồn sống của bà con Hrê. Lá da lợp nhà sàn, che nắng mưa chuồng trại chăn nuôi, làm bóng mát cho vườn cây, rau màu xanh tốt…

Hơn 70 tuổi, già Đinh Văn Dớ nhớ da diết những gò da thời niên thiếu. “Cây da là cây tranh mà người miền xuôi hay gọi đấy. Với người Hrê, lá tranh đọc là lá da. Bây giờ cây da không còn nhiều, cây keo thay thế rồi”, già tiếc nuối.

Thôn Gò Da là nơi xa nhất của xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Cả thôn có 48 nóc nhà và 193 người sinh sống, bám trụ. Núi non hiểm trở, đường vào làng khó đi, vì thế bà con Hrê luôn chủ động sống cùng núi rừng. Làm nông, đi rẫy, làm rừng thuê, người già cùng thanh niên gói ghém, dành dụm dựng nhà, làng bản.

Căn nhà sàn khang trang, sạch sẽ là nơi sinh sống của cha mẹ và vợ chồng trẻ tuổi đôi mươi Đinh Văn Thỏi và Đinh Thị Báy. Cạnh nhà sàn là nhà kho nhỏ. Đinh Thị Báy tươi cười mở cửa kho, bên trong là những quả bí đỏ to, tròn mầu đỏ sẫm phủ lớp trắng phấn. Bí đỏ chất ngăn nắp, trật tự trên hai kệ ván gỗ dài sát vách nhà kho. Mỗi năm, vợ chồng Báy trồng hơn 100 trái bí đỏ. Sau vụ mùa, 50-60 trái bí to, già ôm nặng tay được lựa kỹ và đưa vào kho cất giữ. Cuống trái bí được quét lớp vôi mỏng để không hư hỏng, bảo quản qua mùa mưa núi kéo dài gần 5 tháng.

Quanh nhà Báy là heo, gà cùng giàn mướp, bí xanh ăn từ đầu xuân đến cuối hạ. Mùa mưa, bí đỏ trong kho là vật phẩm núi rừng vùng này dành riêng cho bà con Hrê. “Mùa mưa ở đây chỉ có bí đỏ và gạo là thức ăn chính, chứ mưa lũ không đi đâu được. Rau củ, heo gà cũng ít. Nhà nào cũng trữ bí ăn dần đến mùa xuân”, Đinh Thị Báy kể lể. Bí đỏ chất đầy quanh nhà trong làng. Từ nhà kho, đến hiên nhà sàn, gác bếp, góc cầu thang, lều chứa củi… ở đâu cũng thấy bí đỏ từ vài trái đến mươi quả. Bí đỏ to, sạch đẹp cất gọn, ngăn nắp để ăn dần những tháng mưa dầm.

Cả làng Gò Da 48 nhà như một. Ngăn nắp, gọn gàng từ trong bếp ra đến ngõ, dưới góc nhà sàn, từng hàng rào, cây cỏ được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ. Nhà nào cũng tự trồng trọt, chăn nuôi tự cung cấp cho gia đình, đổi nhau trong thôn bản. Nhiều vườn mướp, bí đao, cà tím, rau xanh tươi tốt cùng đàn gà, lợn, bò giúp cho cuộc sống tươm tất hơn. “Vùng núi này mát lạnh quanh năm, đất tươi tốt nên chỉ chịu khó là không thiếu thốn. Nhà mình trồng cà tím mà ăn không hết, phải chia cho bà con. Trồng cây, rau tốt lắm!”, Trưởng thôn Đinh Văn Hùng chia sẻ.

Trong bộ quân phục cựu chiến binh chưa bạc mầu, chiếc mũ ngôi sao ánh đỏ, ông Đinh Văn Mậu cùng 5 bạn già cũng là cựu chiến binh dự lễ truyền thống của làng. Nghiêm túc, phong thái đĩnh đạc, già Mậu chăm chú nhìn bà con bày biện lễ cúng. Tuổi đã cao nhưng các cụ già vẫn vui vầy, sinh hoạt cộng đồng từ sáng đến tối mịt mỗi khi làng tổ chức. Thanh niên, trẻ con trong làng Gò Da vì thế cũng nghiêm túc, chỉn chu hơn trước các già làng. “Già rồi không làm gì nữa nhưng ngồi dự, nhìn con cháu làm mình động viên. Mệt thì nghỉ chút rồi lại ra. Mình nghiêm túc thì con trẻ mới học theo được”, già Mậu cười tươi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn đã cũ.

84 tuổi, già Đinh Thị Ruông là thầy cúng của làng Gò Da làm lễ xin thần rừng cho phép bà con đón khách đến thăm. Mâm cơm, gà rừng bày quanh bếp lửa, già Ruông đọc lời khấn cầu mong khách đến mang điều may mắn cho làng và xua tan nỗi buồn, không may mắn đi xa. “Nam, nữ làm thầy cúng đều được. Phải học, biết tập tục, nghi lễ truyền thống là bà con tin cậy thôi”, giọng già Ruông chắc chắn.

Đan lát làm các vật dụng gia đình như rổ, thúng, nia, sàn, mỗi tháng già Đinh Văn Bía lại chuyển về xã bán có thêm vài trăm nghìn đồng. Tay thoăn thoắt đan những sợi mây rừng, già Bía bảo: “Dù mình ở đâu thì khâu vệ sinh cũng phải sạch sẽ, phải chăm sóc sức khỏe của mình và bà con. Mình học theo môi trường xã hội, chỉ cho dân đoàn kết, giúp đỡ nhau. Nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm”.

Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Phạm Thị Diễm Châu chia sẻ, đường sá, hạ tầng ở đây còn khó khăn nên bà con luôn nhường nhau vượt cái khổ. “Năm 2016 dân Gò Da góp 160 triệu đồng mở đường mòn từ điểm dân cư Mang Bô lên Gò Da. Mấy năm sau, có dự án mở rộng đường như hiện tại nhưng đỡ hơn thôi chứ đi lại còn gian nan”, bà Châu cho biết.

“Đời sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo xã đến cán bộ thôn, nhân dân đều đoàn kết, chia sẻ nhau. Trong thời gian đến, lãnh đạo huyện tìm giải pháp nâng cao đời sống, cải thiện hạ tầng giao thông phục vụ đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa để tăng thu nhập cho dân nhiều hơn”, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Trần Văn Luật khẳng định.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà: “Sau nhiều chuyến khảo sát để hỗ trợ cho bà con Hrê làng Gò Da, sắp đến huyện sẽ hỗ trợ xây dựng 5 nhà vệ sinh thôn theo từng cụm nhà. Huyện sẽ cho chi phí, vật liệu và bà con cùng nhau xây”.